Future Ready ASEAN 2020 là sân chơi để giới trẻ trên toàn khu vực đưa ra các giải pháp sử dụng dữ liệu nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa của ASEAN, được tổ chức bởi Quỹ ASEAN, Microsoft và Empire Code, cùng với UNESCO và Quỹ Quốc tế Singapore.
Trong trận chung kết khu vực được tổ chức hoàn toàn bằng hình thức trực tuyến, 9 đội đến từ 8 quốc gia thành viên ASEAN: Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam đã trình bày những phát hiện của họ về cách nâng cao nhận thức và kiến thức về văn hóa ASEAN thông qua khoa học dữ liệu trước hội đồng giám khảo.
Kết quả, đội Việt Nam (gồm Nguyễn Ngô Hoài Linh, Nguyễn Hoàng Lâm và Đào Tiến Minh) đã xuất sắc giành giải Nhất nhờ phần trình bày ấn tượng về “Bảo tồn các điệu múa truyền thống ASEAN bằng khoa học dữ liệu”; Đội Myanmar giành vị trí thứ hai cho chủ đề “Sử thi Ramayana bén rễ như thế nào tại sân khấu ASEAN”; Đội Indonesia giành vị trí thứ ba cho phần trình bày về “Trible: Một ứng dụng di động để nghe nhạc ASEAN truyền thống”.
Theo đánh giá từ Ban giám khảo, 3 đội tuyển kể trên giành thắng lợi chung cuộc vì thể hiện được sự sáng tạo, cấu trúc mã hóa vững chắc và minh họa dữ liệu toàn diện.
Trước đó, ban tổ chức đã lựa chọn 9 đội vào chung kết từ tổng số hơn 70 đội đến từ 8 quốc gia. Đầu tiên để đủ điều kiện giam gia chương trình, tất cả thí sinh tham dự phải hoàn thành các khóa học trực tuyến về ngôn ngữ lập trình (Power BI và Python), được cung cấp miễn phí tại nền tảng học trực tuyến Future Ready ASEAN (www.futurereadyasean.org). Điều này nhằm đảm bảo rằng tất cả những người tham gia đều có năng lực lập trình phù hợp, đồng thời khuyến khích họ cải thiện kỹ năng số của mình.
Tiến sĩ Daiana Beitler, Trưởng nhóm Kinh doanh Khu vực, Phụ trách các Hoạt động từ thiện của Microsoft Châu Á, cho biết: “Theo báo cáo của LinkedIn, khu vực Châu Á Thái Bình Dương ước tính sẽ thiếu 12,3 triệu lao động, và con số này sẽ còn tăng lên 47 triệu trong thập kỷ tới. Theo đó, chi phí cơ hội hàng năm đạt mức 4,2 nghìn tỷ đô la Mỹ. Sứ mệnh của chúng tôi là thu hẹp khoảng cách này bằng cách cung cấp cho mọi người cơ hội để trau dồi kỹ năng, giúp họ theo đuổi sự nghiệp trong ngành công nghệ cũng như đáp ứng được yêu cầu công việc trong nền kinh tế kỹ thuật số đang thay đổi nhanh chóng. Chỉ riêng tại Châu Á trong 6 tháng qua, chúng tôi đã cung cấp các khóa đào tạo kỹ năng số cho 1,5 triệu người để tăng khả năng tìm việc làm của họ. Thông qua quan hệ đối tác với Quỹ ASEAN, Empire Code, UNESCO và Quỹ Quốc tế Singapore, chúng tôi đã tiếp cận được nhiều người trẻ hơn trong độ tuổi từ 15 đến 35 trên toàn ASEAN. Kể từ khi ra mắt vào tháng 3 năm 2019, chương trình Future Ready ASEAN đã thu hút sự tham gia của nhiều tổ chức khác nhau để hoàn thành sứ mệnh này và chúng tôi vô cùng biết ơn những đóng góp quý giá đó. Chúng tôi hy vọng nền tảng Future Ready ASEAN sẽ giúp giới trẻ trang bị những kỹ năng quan trọng và chuẩn bị sẵn sàng cho tương lai."
Bà Jasmine Tang, Đồng sáng lập Empire Code, bày tỏ sự ngưỡng mộ trước khả năng của giới trẻ, đặc biệt là những thí sinh tham gia Cuộc thi Future Ready ASEAN 2020, trong việc khai thác khoa học dữ liệu và phát triển các ý tưởng đổi mới. Bà chia sẻ: “Điều làm tôi ấn tượng ở các bạn trẻ là khả năng sáng tạo - một khía cạnh quan trọng của khoa học máy tính nhưng thường bị lãng quên. Chúng tôi đã nhận được một số tác phẩm dự thi rất đáng kinh ngạc. Các bạn trẻ đã tập hợp được một bộ dữ liệu tuyệt vời, điều mà tôi biết là chẳng dễ dàng gì vì dữ liệu văn hóa tại ASEAN rất khan hiếm. Các đội lọt vào vòng chung kết đã thể hiện được năng lực triển khai khoa học dữ liệu xuất sắc và tôi hy vọng họ sẽ tiếp tục cải thiện kỹ năng khoa học dữ liệu của mình sau cuộc thi này. Bạn không bao giờ biết kỹ năng của bạn có thể đưa bạn đến đâu. Vậy nên đừng bao giờ ngừng học tập”.
Cuộc thi Future Ready ASEAN là một trong những hoạt động chủ chốt của Chương trình Đổi mới Kỹ thuật số ASEAN, một sáng kiến hợp tác giữa Quỹ ASEAN, Microsoft và Empire Code với mục tiêu cung cấp khả năng tiếp cận giáo dục khoa học máy tính chất lượng cao cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Thông qua trang web Future Ready ASEAN, sáng kiến đã đào tạo kỹ năng máy tính cho hơn 26.998 thanh niên có hoàn cảnh khó khăn và 1.187 giảng viên kể từ tháng 3 năm 2019.
Giáo sư Shahbaz Khan, Giám đốc Văn phòng UNESCO Jakarta cho biết: “Cần nhớ rằng khoa học dữ liệu mang lại những cơ hội to lớn, tuy nhiên chúng ta cũng cần phải cảnh giác với những hành vi độc hại và/hoặc phi đạo đức xuất phát từ đó. Do đó, UNESCO đang thúc đẩy việc xây dựng bản khuyến nghị về đạo đức Trí tuệ nhân tạo và khuyến nghị của UNESCO về Khoa học mở. Nhận thức về thiên vị và cân nhắc đạo đức trong việc sử dụng khoa học dữ liệu và AI là hai yếu tố cần được thúc đẩy rộng rãi. Khuyến nghị này như một lời kêu gọi của UNESCO - hãy luôn cảnh giác và đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau”.