Theo Nikkei, nhà sản xuất chip theo hợp đồng hàng đầu của Mỹ GlobalFoundries cho biết đang trên đà tăng gấp đôi sản lượng chip ô tô trong năm nay để đáp ứng tình trạng suy giảm nguồn cung toàn cầu chưa từng có. Công ty cũng sẽ chi hơn 6 tỉ USD để mở rộng năng lực sản xuất tổng thể.
Tuy nhiên, GlobalFoundries cảnh báo kế hoạch mở rộng sẽ chỉ bắt đầu có kết quả từ năm 2023 và ngành công nghiệp xe hơi còn phải tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu chip “cho đến năm sau”. “Chúng tôi sẽ xuất xưởng nhiều hơn gấp đôi số lượng tấm wafer chip ô tô so với những gì đã làm vào năm ngoái. Chúng tôi dự kiến sẽ mở rộng công suất này trong năm 2022 và xa hơn thế nữa”, Mike Hogan, phó chủ tịch cấp cao phụ trách mảng kinh doanh ô tô tại GlobalFoundries, nói.
Theo ông Hogan, tất cả những tấm wafer mà GlobalFoundries đang tăng cường đều có thể sử dụng cho các ứng dụng ô tô. Nhưng sẽ phải mất một khoảng thời gian để các khoản đầu tư mới chuyển thành công suất và thời gian tổng thể để chip đến được các nhà sản xuất ô tô cũng khá dài.
Ông Hogan tiết lộ, trong hơn 6 tỉ USD tiền đầu tư để tăng công suất trên toàn cầu, sẽ có 4 tỉ USD dành cho việc mở rộng ở Singapore. Trong khi đó ở Mỹ và Đức, mỗi nơi sẽ được chi 1 tỉ USD.
Tuyên bố mới nhất của GlobalFoundries được đưa ra khi cuộc khủng hoảng nguồn cung đang ảnh hưởng không nhỏ đến một số nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới. Toyota và Volkswagen nằm trong số những công ty buộc phải cắt giảm sản lượng do hạn chế về nguồn cung. GlobalFoundries là đối tác sản xuất chip quan trọng cho các nhà cung cấp ô tô như Bosch, Volkswagen, NXP và Infineon.
Giám đốc điều hành GlobalFoundries Tom Caulfield gần đây nói ngành công nghiệp chip nói chung cũng cần tăng gấp đôi sản lượng sản xuất trong thập niên tới, để giải quyết tình trạng thiếu hụt kéo dài và lo ngại ngày càng tăng của chính phủ về an ninh chuỗi cung ứng.
Đối thủ lớn nhất của nhà sản xuất chip Mỹ là Taiwan Semiconductor Manufacturing Co (TSMC) đã sản xuất thêm ít nhất 60% chip cho các ứng dụng ô tô trong năm nay. TSMC cũng đang khởi động kế hoạch mở rộng lớn nhất từ trước đến nay với chi phí đầu tư 100 tỉ USD để giúp giảm bớt tình trạng thiếu chip và nắm bắt nhu cầu chip mới.