Nhà sản xuất ôtô General Motors (GM) ngày 12/6 công bố kế hoạch đầu tư 632 triệu USD cho hoạt động sản xuất xe bán tải cỡ lớn thế hệ mới tại một nhà máy ở tiểu bang Indiana.
Đây là lần thứ ba GM công bố kế hoạch đầu tư trong tuần qua, với tổng giá trị đầu tư lên đến hơn 2,1 tỷ USD.
GM cho biết khoản đầu tư vào nhà máy Fort Wayne ở Indiana sẽ hỗ trợ các dây chuyền mới, công cụ và thiết bị phục vụ cho việc sản xuất xe Chevrolet Silverado và GMC Sierra 1500.
Kế hoạch này cho thấy GM dự định tiếp tục chi cho mảng xe truyền thống để hỗ trợ kinh phí cho mảng xe điện.
GM cho biết dự định từ nay đến năm 2035 sẽ đưa ra nhiều mẫu xe điện, trong đó có phiên bản chạy điện hoàn toàn của mẫu Silverado trong năm nay và của mẫu Sierra Denali vào đầu năm 2024.
Kế hoạch đầu tư nói trên được công bố trước thềm các cuộc đàm phán giữ các nhà sản xuất ôtô Mỹ, trong đó có GM, và Nghiệp đoàn Công nhân ôtô Mỹ vào mùa hè này.
Đợt đàm phán năm nay được dự đoán sẽ rất “sóng gió” và đóng vai trò quan trọng, trong bối cảnh phong trào công đoàn đang diễn ra mạnh mẽ nhiều năm qua trên khắp cả nước và ngành ô tô đang chuyển dịch sang xe điện.
Theo các chuyên gia, Ford, General Motors và Toyota là những hãng sản xuất xe đang chú trọng vào phân khúc xe bán tải cỡ trung đang phát triển, dòng xe đủ lớn để có giá bán cao nhưng đủ nhỏ để bảo vệ biên lợi nhuận.
Những chiếc bán tải nhỏ đang trở thành mẫu xe giá cao và lợi nhuận lớn, với giá bán trên 60.000 USD, ngang với những mẫu xe sang của BMW, Cadillac và các hãng khác.
Giám đốc điều hành bộ phận chuyên sâu về sản xuất ôtô của hãng nghiên cứu Edmunds, Jessica Caldwell, cho rằng những chiếc bán tải cỡ trung đang trở nên bắt mắt hơn, tiện nghi hơn, nhiều tính năng và có điểm nhấn hơn về thiết kế.
Xe bán tải hạng trung đang theo sau các mẫu xe hạng lớn như Ford F-150, Chevrolet Silverado và Toyota Tundra. Những mẫu xe này đã trở nên lớn hơn và đắt hơn, với nhiều mẫu xe sang và vượt địa hình cùng với các tính năng đặc biệt.
Doanh số bán xe bán tải hạng trung vượt 600.000 chiếc kể từ năm 2019, khi thị hiếu của khách hàng chuyển từ xe sedan truyền thống sang các mẫu xe đa dụng như xe thể thao đa dụng (SUV), xe lai giữa xe sedan và SUV cũng như xe bán tải.
Trong thập kỷ qua, doanh số bán xe bán tải hạng trung truyền thống đã tăng hơn hai lần, chiếm 4,4% doanh số bán xe tại Mỹ trong năm 2022, tăng so với mức 1,6% vào năm 2013 và là tỷ lệ cao nhất kể từ năm 2005.
S&P Global Mobility nhận định doanh số bán xe bán tải hạng trung sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới, nhưng tỷ lệ phần trăm tại thị trường Mỹ sẽ dừng ở mức 4,6% vào năm 2026.
Giá bán trung bình xe bán tải loại này đang tăng lên. Trong thập kỷ qua, giá trung bình một chiếc xe tăng 53%, từ khoảng 28.100 USD, lên trên 42.000 USD. Mức tăng này vượt 3 điểm phần trăm so với mức tăng giá chung của các dòng xe.
Số thương hiệu xe bán tải hạng trung tăng từ con số 3 một thập kỷ trước lên 7 mẫu sử dụng động cơ đốt trong từ các hãng như Chevrolet, Ford, GMC, Honda, Jeep, Nissan và Toyota.
Một nửa số thương hiệu trên đã ra mắt các phiên bản cải tiến trong năm nay, điều được cho là sẽ làm gia tăng nhu cầu và sự cạnh tranh trong phân khúc này.
Toyota trong tuần này đã ra mắt mẫu xe Tacoma thế hệ thứ tư, một tuần sau khi Ford Motor tung ra mẫu Ranger cải tiến, trong khi General Motors cũng thiết kế lại các phiên bản Chevrolet Colorado và GMC Canyon.
Cuối tháng 4/2023, GM cho biết sẽ ngừng sản xuất xe EV Chevrolet Bolt vào cuối năm nay trong bối cảnh hãng này chuyển sang sản xuất xe tải và xe SUV không phát thải được chế tạo trên nền tảng pin mới.
Giám đốc điều hành GM Mary Barra nói với các nhà đầu tư rằng giờ là lúc lên kế hoạch chấm dứt sản xuất xe điện Chevrolet Bolt và điều này sẽ diễn ra vào cuối năm nay.
Nhà sản xuất ôtô lớn nhất của Mỹ đã bán được 38.120 chiếc Bolt EV trong năm 2022, tăng so với mức 24.828 chiếc trong năm 2011, và 19.700 chiếc trong ba tháng đầu năm 2023. Bolt, mẫu EV được đưa ra thị trường đầu tiên của GM, vẫn chiếm hơn 90% tổng doanh số EV của hãng này tại Mỹ.
Tiền thân của Bolt là Chevrolet Volt, một loại xe lai (xăng và điện) mà GM đã ngừng sản xuất năm 2019. Vào cuối những năm 1990, GM đã chế tạo và cho thuê khoảng 1.100 xe Chevrolet Volt.
Bolt, có giá khởi điểm 26.500 USD và đủ điều kiện nhận khoản tín dụng thuế liên bang 7.500 USD, đã nhiều lần được Chính phủ Mỹ quảng cáo là một ví dụ về xe điện giá cả phải chăng.
Trong tháng 1/2022, GM cho biết sẽ đầu tư 4 tỷ USD vào nhà máy Orion Township Assembly, mà để sản xuất Bolt, để sản xuất Chevrolet Silverado và GMC Sierra chạy điện sử dụng nền tảng Ultium EV thế hệ tiếp theo.
GM cho biết các nhà máy Detroit-Hamtramck và Orion của hãng sẽ có thể sản xuất hơn 600.000 xe tải điện mỗi năm vào cuối năm 2024.
Bà Barra cho biết khi Orion mở cửa trở lại vào năm 2024 và đạt sản lượng tối đa, việc làm sẽ tăng gần gấp ba lần.
GM dự kiến sẽ sản xuất 400.000 xe EV ở Bắc Mỹ từ năm 2022 đến giữa năm 2024 và tăng công suất lên 1 triệu xe EV ở Bắc Mỹ vào năm 2025.
Trước đó, Giám đốc Tài chính của GM Co Paul Jacobson cho biết khoảng 5.000 nhân viên được trả lương đã nhận trợ cấp thôi việc để tự nguyện rời khỏi công ty này. Như vậy, GM đang thuận lợi trên lộ trình hướng đến mục tiêu cắt giảm 2 tỷ USD chi phí.
GM đã tăng giá sản phẩm tại Mỹ trong hai năm qua vì tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng đã kìm hãm hoạt động sản xuất. Nhưng ông Jacobson cho biết trong thời gian tới, thời cơ để tăng giá hơn nữa đã không còn và GM phải gấp rút cắt giảm chi phí.
GM đã đặt mục tiêu đến cuối năm 2024 cắt giảm 2 tỷ USD từ chi phí hoạt động kinh doanh, và 30%-50% trong số này phải đạt được trong năm nay. Sự hưởng ứng của nhân viên với chương trình trợ cấp thôi việc tự nguyện nói trên giúp GM sắp đạt được mục tiêu cho năm 2023.
Trong một thông báo gửi nhân viên ngày 4/4, Giám đốc điều hành của GM Mary Barra cho biết vài trăm vị trí công việc được cắt giảm trong tháng Hai và 5.000 người tham gia chương trình trợ cấp thôi việc tự nguyện đã giúp GM giảm được gần 1 tỷ USD trong số 2 tỷ USD mục tiêu. Vì thế, bà cho biết công ty sẽ không xem xét việc sa thải ở quy mô toàn công ty tại thời điểm này.
Ông Jacobson cho biết GM sẽ cắt giảm sản lượng để kiểm soát lượng hàng dự trữ. Nhà sản xuất ôtô này trước đó trong năm nay đã đóng cửa một nhà máy lắp ráp xe bán tải tại thành phố Fort Wayne thuộc bang Indiana trong hai tuần.
Bà Barra cho biết GM sẽ cắt giảm chi phí hơn nữa thông qua việc cắt giảm mức độ phức tạp trên các mẫu xe, tăng cường sử dụng các hệ thống con chung giữa các xe chạy bằng điện và xăng, tập trung đầu tư vào các sáng kiến tăng trưởng mang lại lợi ích ngắn hạn, và giảm mức chi tiêu ở mọi bộ phận công ty, trong đó có cả chi phí công tác và marketing.
Cũng trong tháng 4/2023, GM và nhà sản xuất pin và vật liệu điện tử Samsung SDI (Hàn Quốc) thông báo sẽ đầu tư hơn 3 tỷ USD để xây dựng một nhà máy liên doanh sản xuất pin xe EV ở Mỹ, trong bối cảnh nhà sản xuất ôtô này muốn đa dạng hóa các nhà cung cấp linh kiện.
Nhà máy chung của GM và Samsung SDI, dự kiến bắt đầu xây dựng trong năm 2026, đặt mục tiêu đạt công suất sản xuất hàng năm là 30 gigawatt giờ (GWh). Thông tin cho biết địa điểm của nhà máy liên doanh này vẫn chưa được quyết định. Nhà máy này sẽ sản xuất các pin hình trụ.
GM cũng đã có một liên doanh với nhà sản xuất pin của Hàn Quốc LG Energy Solution tại Mỹ và đã đầu tư để đẩy mạnh sản xuất pin với công ty này để tận dụng các khoản trợ cấp theo Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước.
Bộ Năng lượng Mỹ đã hoàn tất khoản vay 2,5 tỷ USD cho liên doanh GM-LG Energy hồi cuối năm 2022. Các công ty này đang xây dựng một nhà máy trị giá 2,6 tỷ USD ở Michigan, dự kiến khai trương vào năm 2024.
Năm 2022, GM dự kiến sản xuất 400.000 xe EV ở Bắc Mỹ từ năm 2022 đến giữa năm 2024 và tăng công suất lên 1 triệu chiếc mỗi năm ở Bắc Mỹ vào năm 2025.
Các nguồn tin cho biết GM đang xem xét liệu có cần thêm ít nhất hai nhà máy EV nữa để đáp ứng nhu cầu EV trong tương lai hay không.