Bài viết thể hiện quan điểm của phóng viên Aaron Holmes, Tech Insider.
Tháng này, cả Google và Apple đều ra mắt hệ điều hành smartphone mới. Đó là Android 10 và iOS 13. Một phiên bản thì có số khả năng tùy chọn nhiều nhất từ trước tới nay, tích hợp hàng loạt tính năng mới. Phiên bản còn lại thì nhấn mạnh vào sự đơn giản, dễ sử dụng.
Bạn có thể bất ngờ nếu đoán đâu là iOS, đâu là Android.
Android 10 và Pixel đề cao sự tối giản
Từng được coi là hệ điều hành có nhiều tính năng, Google đang cố gắng làm cho Android thực sự đơn giản, bắt đầu từ điện thoại Pixel. Cách làm của họ giống những gì Apple từng làm: đặt cược vào việc người dùng không muốn có quá nhiều lựa chọn, và sẽ chỉ sử dụng những công nghệ đơn giản, hiệu quả cao nhất.
Android 10 là phiên bản đầu tiên kể từ Android 1.0 được đặt tên chính thức bằng số, chứ không phải bằng các loại bánh kẹo. Sự tối giản của hệ điều hành này không chỉ đến từ cách đặt tên. Google cho biết Android 10 "đơn giản hơn, thông minh hơn, tiện dụng hơn" các phiên bản trước.
Điều này thể hiện ở hệ thống điều khiển bằng cử chỉ, giảm bớt các ứng dụng được cài đặt sẵn, và chỉ để lại những tính năng quan trọng nhất.
Chiếc điện thoại Pixel vốn là biểu tượng cho phần mềm Android "sạch" từ Google. Trong khi các hãng đối tác thường tạo khác biệt bằng giao diện và cài sẵn hàng loạt ứng dụng của mình, thì Pixel chỉ có giao diện cơ bản và bộ phần mềm của Google.
Đây chính là điểm thu hút của Pixel. Nhiều người dùng Android sau khi đã trải nghiệm các thiết bị cuối cùng lại thèm muốn giao diện đơn giản và bộ phần mềm cơ bản của Pixel.
Mặc dù vẫn hợp tác với các công ty sản xuất thiết bị, Google lại lựa chọn con đường của Apple cho dòng máy của riêng mình. Ban đầu họ giới hạn mỗi thế hệ Pixel chỉ có 2 phiên bản, và tới năm 2019 mới ra mắt phiên bản giá rẻ Pixel 3a.
"Đơn giản hóa" là cách iPhone thành công
Cách làm của Google rất giống với những gì Apple thực hiện thời gian đầu với iPhone. Apple tạo ra khác biệt với những hãng khác bằng một sản phẩm duy nhất nhưng thực sự tốt. Nên nhớ rằng thời kỳ iPhone đầu tiên ra mắt, Nokia có khoảng 100 mẫu máy đang bán ra.
Trong khi đó, Apple lại mở rộng số lựa chọn cung cấp cho người dùng. Từ năm 2013, họ ra mắt mẫu iPhone 5C giá rẻ cùng với iPhone 5S cao cấp. Tới năm 2017, số lượng thiết bị đã tăng lên 3, khi iPhone X được đưa lên phân khúc giá cao hơn nữa.
Sau khi ra mắt mẫu điện thoại mới, Apple vẫn bán những chiếc iPhone đã ra mắt một vài năm trước như lựa chọn giá rẻ cho người dùng. Năm 2019, sau khi ra mắt bộ ba iPhone 11 họ đã giữ lại iPhone 8 và iPhone XR, trong khi "khai tử" hai mẫu vừa ra năm ngoái là iPhone XS và XS Max.
Số lựa chọn nhiều lên giúp Apple tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng khác nhau, giống như chiến lược của Nokia trước kia. Đây là yếu tố quan trọng tại các thị trường đang lên như Ấn Độ hay Trung Quốc.
Tất nhiên, không có ai là đúng hoàn toàn. Cả Apple và Google đều tích cực học hỏi lẫn nhau về các tính năng trên hệ điều hành.
Trên iOS 13, tính năng vuốt trên bàn phím để nhập từ được giới thiệu. Google có tính năng tương tự trên bàn phím Gboard do họ phát triển. Apple cũng nói về tính năng tự đặt lịch nhắc dựa trên AI, giống với những gì Google Assistant đang làm. Chế độ tối hay chụp đêm cũng là những điểm Apple có thể học hỏi từ Google.
Khi thị trường smartphone suy giảm, không có chiến lược nào đảm bảo thành công 100%. Việc mở rộng dải sản phẩm, bao gồm cả iPhone giá mềm hơn, dường như đã mang lại thành công nhất định cho Apple. Tại sự kiện công bố iPhone 11, CEO Tim Cook cho biết iPhone XR giá 750 USD là chiếc smartphone bán chạy nhất thế giới trong nửa đầu năm 2019.
Chiến lược giá rẻ của Google cũng đang phát huy hiệu quả. Vào tháng 7/2019, công ty cho biết doanh số điện thoại Pixel đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.