Google khởi động dự án nghiên cứu về 5G đầu tiên của năm 2016

Google khởi động dự án nghiên cứu về 5G đầu tiên của năm 2016
Tạp chí Nhịp sống số - Google cũng chính thức gia nhập cuộc chơi 5G bằng dự án thử nghiệm bí mật phủ sóng kết nối internet tốc độ cực cao bằng máy báy không người lái (drone) tại New Mexico (Mỹ). Tốc độ truyền dẫn hứa hẹn cao gấp 4 lần so với tốc độ truy nhập internet vô tuyến hiện nay.

Những drone này được trang bị công nghệ truyền sóng radio bước sóng cỡ milimet. Tần số sóng vô tuyến cao sẽ cho tốc độ truyền dẫn lớn, lên tới nhiều Gbps. Tuy nhiên, tầm phát sóng ngắn (30 G- 300 GHz) và dễ bị can nhiễu bởi các điều kiện ngoại cảnh như mưa, sương mù và tuyết. Google sẽ thử nghiệm dự án này đến tháng 7/2016. Các drone hoạt động nhờ năng lượng mặt trời.

Google thử nghiệm dự án cung cấp kết nối 5G bằng drone

Dù được dự kiến là tới năm 2020 mạng di động 5G mới bắt đầu được thương mại hóa song những dự án nghiên cứu về mạng thế hệ kế tiếp này đã được lên kế hoạch từ cách đây cả chục năm, khi mà 4G LTE còn chưa được chính thức triển khai (năm 2009) và đặc biệt nở rộ trong năm 2015. Trong khi hầu hết tất cả các hoạt động nghiên cứu từ năm 2014 trở về trước đều là các dự án được chính phủ tài trợ một phần hoặc toàn phần thì từ năm 2015 trở lại đây, các dự án được khởi động chủ yếu là do các hãng sản xuất thiết bị viễn thông và các nhà mạng hợp tác với nhau, chi phí các bên tự đóng góp.

Một số dự án điển hình phải nhắc tới là: NORMA nghiên cứu thiết lập kiến trúc mạng di động mới cho 5G, FANTASTIC-5G nghiên cứu các chuẩn giao diện vô tuyến cho 5G của các nhà sản xuất và nhà mạng khu vực châu Âu; mmMAGIC nghiên cứu việc sử dụng các băng tần có bước sóng cỡ mm trong mạng 5G của các hãng viễn thông lớn (cả ở châu Á và châu Âu).
 
Cùng với đó là hàng chục công bố hợp tác thử nghiệm của các nhà mạng với các hãng sản xuất thiết bị để thử nghiệm một kỹ thuật, công nghệ cụ thể để sử dụng trong 5G. Ví dụ: Huawei và NTT DOCOMO (Nhật) hợp tác thử nghiệm công nghệ MIMO đa người dùng (MU-MIMO) quy mô lớn trên băng tần 6GHz; Softbank hợp tác với Ericsson thử nghiệm các kỹ thuật 5G của Ericson trên mạng lưới của mình; SK Telecom (Hàn Quốc) hợp tác với Nokia thử nghiệm công nghệ cmWave cho phép tốc độ truyền dẫn lên tới 19,1Gbps, KT (Hàn Quốc) hợp tác với Alcatel Lucent và NEC để đẩy mạnh nghiên cứu những cải tiến trong giải pháp mạng truy nhập ảo (vRAN) ….
 
Sau những hoạt động thử nghiệm đó, bức tranh về 5G đang dần trở nên rõ nét hơn. 5G được cho là sẽ không do công nghệ mới làm nòng cốt như các thế hệ mạng trước đó (2G - GSM, 3G - WCDMA, 4G - LTE) mà vẫn dựa trên phiên bản cải tiến của LTE và sự đóng góp của các kỹ thuật mới, công nghệ mới mang tính phụ trợ. Từ nay tới thời điểm dự kiến 5G chính thức được triển khai vẫn còn khá dài, và trong khoảng thời gian này những kỹ thuật mới, công nghệ mới sẽ không ngừng ra đời để tiếp tục hoàn thiện bức tranh về 5G.
 

 

Có thể bạn quan tâm