Google Pixel 4a - "con ngựa Thành Troy" của FBI

Tạp chí Nhịp sống số - Một số chiếc Google Pixel 4a đặc biệt đã bán trên các trang web rao vặt với "giá rẻ khó tin" và "trôi nổi" đến tay vô số người dùng. Ẩn sau bề ngoài bình thường đó lại là công cụ bí mật của FBI

Khi mở khóa chiếc Google Pixel 4a này bằng mã PIN, có thể thấy máy đã được cài đặt sẵn một số ứng dụng phổ biến như Tinder, Instagram, Facebook, Netflix hay Candy Crush.

Tuy nhiên, không có ứng dụng nào trong số chúng hoạt động. Khi ấn vào các biểu tượng, không có bất cứ điều gì xảy ra. Sau khi thiết lập lại điện thoại và nhập mã PIN khác, máy sẽ hiện ra giao diện khác với hình nền mới và các ứng dụng mới. Thay thế cho những ứng dụng trên là đồng hồ, máy tính và cài đặt.


Nhìn bên ngoài, chiếc Pixel 4a này hoàn toàn bình thường

Khi ấn vào biểu tượng máy tính, máy sẽ không hiện ra ứng dụng máy tính. Thay vào đó, thiết bị sẽ đưa người dùng đến một màn hình đăng nhập.

Màn hình lúc này hiển thị yêu cầu "nhập ID Anom" và mật khẩu. Có thể thấy, ẩn sau ứng dụng máy tính là một phần mềm nhắn tin có tên Anom, một honeypot của FBI. Honeypot là một hệ thống tài nguyên thông tin được xây dựng với mục đích giả dạng, đánh lừa những kẻ sử dụng và xâm nhập không hợp pháp, thu hút sự chú ý của chúng, ngăn không cho chúng tiếp xúc với hệ thống thật.

Trên Anom, tội phạm tin rằng chúng có thể giao tiếp với nhau an toàn khi những tin nhắn đã được mã hóa. Tuy nhiên, chúng đã sai khi các hoạt động này đều bị theo dõi bởi một nhóm cơ quan thực thi pháp luật quốc tế bao gồm FBI.

Tháng trước, hàng trăm vụ bắt giữ đã được thực hiện. Các nhà chức trách đã tổ chức những cuộc họp báo nhằm quảng bá sự thành công trong hoạt động của mình. Họ cũng cung cấp một số chi tiết về cách thức hoạt động của những chiếc điện thoại này.

Motherboard đã mua được chiếc điện thoại Anom từ một người vô tình mua nó trên trang web rao vặt. Trên trang web này, chiếc điện thoại được quảng cáo là một thiết bị Android giá rẻ.

Tuy nhiên, khi người dùng nhận được nó, họ nhận ra đây không phải là một chiếc điện thoại bình thường. Sau khi được Motherboard liên hệ, cả hai đã phát hiện ra nó có chứa ứng dụng Anom bí mật. Người này nói rằng bản thân đã rất hoảng sợ "khi nhận ra thứ mình vừa mua".

Khi khởi động, thiết bị sẽ hiển thị logo của hệ điều hành có tên "ArcaneOS". Có rất ít thông tin được công khai về ArcaneOS. Chính chi tiết này đã giúp cho người mua nhận thấy được điều bất thường của chiếc điện thoại.

Hầu hết các bài đăng thảo luận về hệ điều hành này dường như chỉ được viết bởi những người vô tình mua phải một chiếc điện thoại Anom và nhận thấy nó hoạt động không giống những chiếc điện thoại thông thường. Sau khi FBI công bố hoạt động của Anom, một số người dùng Anom đã nhanh chóng loại bỏ các thiết bị của mình, kể cả việc bán tháo cho những người khác.

Giao diện đăng nhập vào Anom

Motherboard cho biết người mà họ liên hệ đang sống tại Úc. Tại đây, các nhà chức trách đã phổ biến những thiết bị Anom như một đợt thí điểm trước khi mở rộng sang nhiều quốc gia khác.

Người này cho biết đã liên hệ với Cảnh sát Liên bang Úc (AFP) nhằm trao đổi về vấn đề bán lại chiếc điện thoại này cho người khác. Khi AFP không ngăn cản, người này đồng ý bán lại chiếc điện thoại này cho Motherboard với mức giá tương đương khi mua. Một người khác mà Motherboard liên hệ mua lại chiếc điện thoại này sống tại Lithuania.

"Tôi đã mua chiếc điện thoại này trên mạng với mức giá rẻ đến mức khó tin, giờ thì tôi đã hiểu tại sao" người này cho biết.

Người này cũng cung cấp thêm cho Motherboard một số hình ảnh và video về thiết bị. Trên chiếc điện thoại này, màn hình đăng nhập Anom không thể truy cập được, nhưng những cài đặt khác như mã PIN mồi nhử vẫn còn.

"Chiếc điện thoại này có thể đã được sử dụng bởi một tên buôn ma túy nào đó", người này nói.

Bên cạnh ArcaneOS, chiếc điện thoại cũng có một vài tính năng và cài đặt thú vị. Thông thường, những chiếc điện thoại Android sẽ có cài đặt bật/tắt theo dõi vị trí. Tuy nhiên, chiếc điện thoại này không có bất kỳ tùy chọn nào về vấn đề đó.

Máy cũng cung cấp tính năng "xáo trộn mã PIN". Cụ thể, màn hình nhập mã PIN sẽ sắp xếp lại các chữ số theo cách ngẫu nhiên, ngăn những bên thứ ba tìm ra mật mã của thiết bị nếu thấy ai đó đang nhập mã.


Thiết bị Anom trông giống như một thiết bị từ các hãng điện thoại mã hóa mà bọn tội phạm thường sử dụng

Thanh trạng thái ở đầu màn hình có một phím tắt xóa mọi thứ trên điện thoại, với biểu tượng mảnh giấy được đặt vào máy hủy tài liệu. Người dùng cũng có thể thiết lập một "mã xóa", giúp xóa thiết bị từ màn hình khóa. Người dùng cũng có thể thiết lập chiếc điện thoại này tự động xóa trong trường hợp ở chế độ ngoại tuyến trong một khoảng thời gian cụ thể.

Với các tính năng xóa và giao diện người dùng ẩn, thiết bị Anom trông giống như một thiết bị từ các hãng điện thoại mã hóa mà bọn tội phạm thường sử dụng trước đây, chẳng hạn như Encrochat và Phantom Secure.

Có thể bạn quan tâm