Theo Neowin, tính năng này yêu cầu các nhà sản xuất tạo ra “thiết lập phân vùng A/B” cho phép hệ điều hành tự động tạo một bản sao của các phân vùng không hoạt động, nơi nó có thể được cập nhật trong nền mà ở đó người dùng chỉ cần khởi động lại để chuyển đổi giữa các phân vùng.
Về cơ bản, điều này có nghĩa thiết bị của người dùng sẽ tự động tạo một phân vùng chứa bản sao thứ hai của hệ thống và cài đặt cập nhật mới trong nó. Sau đó, người dùng sẽ chỉ phải khởi động lại thiết bị của mình để chuyển sang phân vùng đã cập nhật lên phần mềm mới nhất, giúp tăng tốc đáng kể toàn bộ quá trình cài đặt bản cập nhật phần mềm.
Đây là tính năng đã được Google đưa ra từ Android 7.0 Nougat nhưng chưa bao giờ xem đó là yêu cầu bắt buộc khiến nhiều nhà sản xuất khác như Samsung chưa triển khai nó trên các thiết bị của họ. Một trong những nhược điểm của tính năng này là nó yêu cầu một không gian lưu trữ nội bộ bổ sung, và đó có lẽ là lý do tại sao nhiều OEM đã tránh xa việc triển khai nó.
Nhưng kể từ Android 11, Google sẽ bắt buộc các thiết bị chạy nó đều hỗ trợ cập nhật liền mạch. Thông tin này được phát hiện trên AOSP Gerrit, cho biết các nhà sản xuất thiết bị Android 11 trở lên phải cam kết có thiết lập phân vùng A/B ảo. Cam kết này vẫn chưa được áp dụng nhưng nó có thể được thực hiện trước khi Android 11 được phát hành chính thức. Trừ khi có gì đó thay đổi, tất cả các thiết bị Android ra mắt vào cuối năm 2020 hoặc đầu năm sau với Android 11 sẽ đi kèm tính năng cập nhật liền mạch.