Theo MakeUseOf, GPU Arc của Intel ra mắt vào năm 2022 với lời cam kết mang đến cho người dùng dòng sản phẩm giá rẻ và hiệu suất tốt. Đây cũng là một động thái phá vỡ thế độc quyền của Nvidia và AMD trên thị trường GPU và mang lại cho người dùng nhiều lựa chọn hơn.
Vì còn khá mới mẻ trong thị trường GPU, nên có nhiều người dùng đã thắc mắc rằng liệu Arc có thể ‘cân’ được những công nghệ đồ họa hiện đại của ngày nay hay không? Đặc biệt là công nghệ Ray Tracing (dò tia).
Ray Tracing là gì?
Ray Tracing là một phương pháp để cải thiện chất lượng chiếu sáng trong môi trường 3D. Phương pháp này sử dụng các tia sáng tuyến tính truyền đi trong môi trường, kết hợp với tính chất của môi trường mà nó truyền qua, phản xạ, khúc xạ hay bị hấp thụ cho đến khi những tia sáng đó đi đến camera.
Những tính toán theo thời gian thực của phương pháp này có thể phản ánh chính xác điều kiện ánh sáng trong môi trường mà vẫn tuân thủ hầu hết các quy tắc vật lý của ánh sáng. Nhờ điều này mà các vùng sáng tối của sự vật trong game đều được xử lý sao cho phù hợp nhất với tính chất của nó và môi trường xung quanh.
GPU Arc của Intel có hỗ trợ Ray Tracing?
Quay trở lại với câu hỏi về khả năng hỗ trợ công nghệ Ray Tracing của GPU nhà Intel, câu trả lời là có.
Arc có hỗ trợ Ray Tracing. Điều này được thực hiện bằng cách sử dụng phần cứng chuyên dụng được gọi là Ray Tracing Units (RTU). Ngoài ra, Intel còn sử dụng một tính năng mà họ gọi là Asynchronous Ray Tracing, kết hợp các tia với các bộ tạo độ bóng để đảm bảo các RTU (còn được gọi là lõi Intel Xe) đang được sử dụng đầy đủ.
Đây là số lượng RTU mà mỗi GPU Intel Arc đang sử dụng:
- Arc A770: 32 RTU
- Arc A750: 28 RTU
- Arc A580: 24 RTU
- Arc A380: 8 RTU
- Arc A310: 6 RTU
Từ danh sách trên có thể thấy dòng GPU Arc 300 cấp thấp không mang lại nhiều hiệu suất đối với Ray Tracing, vì số RTU của chúng quá ít. Tuy nhiên, dòng Intel Arc 700 lại không hề kém cạnh Nvidia RTX 3060 về điểm hiệu suất.
Khi so sánh với RTX 3060 trong một thử nghiệm do Intel thực hiện, Arc A770 hoạt động ngang bằng, nếu không muốn nói là tốt hơn, trong hơn 10 trò chơi chạy Ray Tracing ở tốc độ 1080p. Kết hợp với XeSS, câu trả lời của Intel đối với công nghệ DLSS của Nvidia, hiệu suất tăng lên ở mức phân giải 1440p.
Tuy nhiên, một điều quan trọng cần lưu ý là khả năng hỗ trợ đến từ phần mềm. Phần cứng mạnh mẽ sẽ không giúp ích quá nhiều nếu không có trình điều khiển tốt. Để có được trình điều khiển phù hợp, đặc biệt là trong sản phẩm thế hệ đầu tiên là điều không hề dễ dàng và dòng sản phẩm Arc của Intel đã gặp phải tình trạng trình điều khiển hoạt động kém kể từ khi ra mắt.
Phần mềm quan trọng thế nào với GPU Arc?
Mặc dù dòng Arc hỗ trợ Ray Tracing, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng có thể tận dụng tối đa lợi thế của tính năng trong trò chơi. Phần cứng RTU của Arc chỉ nhằm nâng cao hiệu suất cho các thuật toán dò tia.
Để trò chơi có thể chạy Ray Tracing trên GPU Arc, các nhà phát triển trò chơi sẽ cần tích hợp tính năng này bằng API DirectX12 hoặc Vulkan của Microsoft. Về cơ bản, hai API này đại diện cho mọi trò chơi có tính năng Ray Tracing.
Mặc dù điều này giúp Intel sánh vai với Nvidia và AMD về khả năng tương thích phần mềm, nhưng hai gã khổng lồ kia vẫn dẫn đầu về chất lượng trình điều khiển. Những người dùng đầu tiên của dòng sản phẩm Arc đã tiết lộ một số vấn đề về trình điều khiển đã cản trở hiệu suất và trải nghiệm của họ.
Trình điều khiển tốt cũng giúp cung cấp các tính năng phần mềm bổ sung cho GPU. Những điều này bổ sung các lợi ích về hiệu suất và thậm chí cả các trường hợp sử dụng ngoài chơi game. DLSS 3.0 của Nvidia là một ví dụ điển hình về điều này.