
Chuyển đổi phương tiện giao thông xanh là nhiệm vụ trọng tâm, thể hiện quyết tâm rất lớn của thành phố trong hành trình hướng tới một đô thị xanh và bền vững, trong đó, riêng về chuyển đổi xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh chậm nhất đến năm 2030 phải hoàn thành 100%.
Đây là yêu cầu của lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tại cuộc họp về tiến độ triển khai chuyển đổi giao thông xanh trên địa bàn thành phố, diễn ra ngày 16/7.
Những kết quả đáng khích lệ
Báo cáo tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đào Việt Long cho biết thời gian qua, công tác chuyển đổi xanh đã có những kết quả rất đáng khích lệ. Tính đến tháng 7/2025, thành phố đã đưa vào hoạt động 16 tuyến buýt điện với tổng cộng 248 xe, chiếm 12,86% tổng số phương tiện xe buýt trợ giá, vượt kế hoạch đề ra cho năm 2025. Song song đó, công tác chuyển đổi xanh cũng được đẩy mạnh với xe taxi và xe hợp đồng dưới 9 chỗ.

Hiện nay, Hà Nội có 47,4% xe taxi là xe điện và 46,5% là xe hợp đồng dưới 9 chỗ và 23 hãng taxi đã cam kết đến hết năm 2030 chuyển đổi 100% xe sang sử dụng điện. Dịch vụ xe đạp công cộng TNGo cũng là một điểm sáng với 1.100 xe và 118 điểm, trạm, góp phần xây dựng hình ảnh thành phố xanh.
Tuy nhiên, trên lộ trình chuyển đổi này, thành phố cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức. Cụ thể, hạ tầng trạm sạc còn hạn chế, hiện chưa có quy chuẩn chung về trạm sạc, đầu sạc khiến cho việc sử dụng chung trạm sạc giữa các hãng xe còn khó khăn. Cùng với đó chưa có quy hoạch tổng thể về mạng lưới điện và hạ tầng trạm sạc, đặc biệt trong khu vực nội đô. Việc xã hội hoá đầu tư hạ tầng sạc cũng gặp khó khăn do thiếu khung pháp lý cụ thể về quản lý và giá dịch vụ.
Ngoài ra, chi phí đầu tư ban đầu cho phương tiện và hạ tầng xanh còn rất cao. Riêng xe buýt điện, để bảo đảm tần suất hoạt động tương đương xe sử dụng dầu diesel, thành phố cần đầu tư thêm khoảng 40-50% số lượng phương tiện. Trong khi đó, đến nay vẫn chưa có cơ chế tài chính đủ hấp dẫn như ưu đãi tín dụng hay miễn giảm thuế để khuyến khích các doanh nghiệp mạnh dạn chuyển đổi.
Hơn nữa, tâm lý e ngại về độ bền, phạm vi hoạt động của xe điện vẫn còn tồn tại trong một bộ phận người dân và doanh nghiệp. Sự phối hợp liên ngành trong việc tháo gỡ khó khăn về đất đai, cấp phép xây dựng hay hạ tầng kỹ thuật cho trạm sạc cũng chưa thực sự hiệu quả...
Khẳng định cam kết bám sát lộ trình chuyển đổi của thành phố, được hiện thực hoá bằng việc đã chủ động đầu tư, đưa 4 tuyến buýt điện vào hoạt động trong giai đoạn đầu năm 2025, song Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) Nguyễn Thanh Nam cũng chỉ rõ những thách thức trong quá trình chuyển đổi xanh.
Cụ thể, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã chỉ đạo trong quý 2/2025 phải ban hành bộ đơn giá, định mức cho xe buýt điện cỡ vừa và nhỏ để các doanh nghiệp đấu thầu, mua xe thì mới kịp thực hiện cho lộ trình 2026 và quyết liệt trong các năm tiếp theo để hoàn thành mục tiêu chuyển đổi 100% xe buýt điện vào năm 2030.
Bên cạnh đó, nếu không có cơ chế hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn, hỗ trợ lãi vay thì doanh nghiệp sẽ khó thực hiện. Ước tính, nguồn vốn vay đầu tư cho hơn 1.000 phương tiện của Transerco trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 vượt quá 3 lần so với “sức khoẻ” tài chính của doanh nghiệp. Do đó, Transerco mong muốn thành phố sớm ban hành nghị quyết về chính sách chuyển đổi phương tiện sử dụng năng lượng sạch.
Thí điểm làm trạm sạc theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”
Góp ý các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi giao thông xanh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Hà Nội Nguyễn Anh Dũng cho rằng hiện các trạm sạc đang còn ít, chưa ảnh hưởng đến nguồn điện. Tuy nhiên, giai đoạn 2026-2030 nhu cầu lớn nên phải làm rõ cần bao nhiêu trạm sạc theo từng năm với từng loại công suất.
Đại diện ngành điện kiến nghị thành phố nên giao cho một sở làm đầu mối chủ trì với sự tham gia của các đơn vị liên quan. Phấn đấu ban hành được quy hoạch trạm sạc ngay trong năm 2025 từ đó ngành điện sẽ tính toán nguồn điện để đáp ứng nhu cầu. Cùng với đó, các doanh nghiệp nên nghiên cứu phương án cho thuê pin, đa dạng nhu cầu phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Về vị trí xây dựng trạm sạc, đại diện Sở Công Thương kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố giao sở này là đầu mối để chính thức phối hợp với 126 xã, phường và các đơn vị liên quan rà soát, xác định vị trí, diện tích, nguồn gốc đất, từ đó cập nhật phương án trình thành phố làm cơ sở triển khai.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh, chuyển đổi phương tiện giao thông xanh là nhiệm vụ trọng tâm, thể hiện quyết tâm rất lớn của thành phố trong hành trình hướng tới một đô thị xanh và bền vững.
Ủy ban Nhân dân thành phố giao Sở Xây dựng chủ trì rà soát tổng thể các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn về trạm sạc. Nội dung nào thuộc thẩm quyền Trung ương thì báo cáo đề xuất Trung ương để đưa vào quy định quản lý.
Mặt khác, Hà Nội cũng đề xuất Trung ương cho phép thực hiện thí điểm theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng.” Các dự án đầu tư trong khu vực đô thị khi phê duyệt quy hoạch cần hết sức chú ý bố trí trạm sạc. Việc phát triển trạm sạc phải bảo đảm thống nhất trên toàn địa bàn.
Thành phố đề nghị các doanh nghiệp khi có nhu cầu triển khai trạm sạc phải phối hợp với Sở Xây dựng để cập nhật các trạm đủ điều kiện, loại bỏ trạm không đủ điều kiện, từ đó sớm hoàn thành quy hoạch trạm sạc, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp chung tay làm thí điểm theo phương án chung của thành phố.
Về cơ chế chính sách tài chính hỗ trợ chuyển đổi xanh, Sở Xây dựng tiếp tục chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan xây dựng nghị quyết trình Hội đồng Nhân dân thành phố trong kỳ họp sớm nhất.
Trong khu vực hạn chế, vùng phát thải thấp phải chuyển đổi xe xăng sang xe điện, Sở Xây dựng rà soát toàn bộ các tuyến xe buýt, bổ sung các tuyến buýt nhỏ phục vụ nhu cầu di chuyển của người dân và khách du lịch; đa dạng hình thức phục vụ, từng bước khép kín được mạng lưới giao thông trong nội đô. Ngay trong quý 3/2025 phải hoàn thành đơn giá định mức cho buýt điện cỡ nhỏ, cỡ vừa.