Trong báo cáo quý mang tên “Dự báo sản xuất chip bán dẫn thế giới” (WFF), SEMI dự báo trong năm nay, chi tiêu trên toàn cầu cho thiết bị sản xuất chip bán dẫn sẽ tăng 10% so với năm ngoái, lên tới mức 98 tỷ USD cao nhất từ trước đến nay, đánh dấu năm tăng thứ ba liên tiếp.
Chi tiêu cho sản xuất chip theo hợp đồng dự kiến sẽ chiếm 46%, tăng 13% so với năm ngoái. Tiếp đến là chi tiêu cho sản xuất bộ nhớ (chiếm 37%). Chi tiêu toàn cầu cho thiết bị sản xuất chip bán dẫn đã tăng 17% trong năm 2020 và tăng 39% trong năm 2021.
Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành SEMI Ajit Manocha nêu rõ: "Ngành công nghiệp thiết bị bán dẫn đã ghi nhận một giai đoạn tăng trưởng chưa từng có với mức chi tiêu tăng trong 6 trong số 7 năm qua trong bối cảnh các nhà sản xuất chip tăng hoạt động sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trên thế giới về một loạt các công nghệ mới nổi, trong đó có trí tuệ nhân tạo, máy tự động và máy tính lượng tử."
Ông nhấn mạnh nhu cầu này gia tăng mạnh trong đại dịch COVID-19 vì điện tử đóng vai trò rất quan trọng trong làm việc, học tập và chăm sóc sức khỏe từ xa cũng như phục vụ các ứng dụng khác.
Tháng 11/2021, Samsung, nhà sản xuất chip bộ nhớ lớn nhất thế giới, thông báo sẽ đầu tư 17 tỷ USD xây dựng một nhà máy mới sản xuất chip bán dẫn ở Taylor, bang Texas (Mỹ), nhằm tăng sản lượng trong bối cảnh thiếu chip trên toàn cầu.
Nhà máy này sẽ được khởi công trong nửa đầu năm nay và dự kiến đi vào hoạt động vào nửa cuối năm 2024.
Hai tháng trước đó, hãng Intel (Mỹ) đã động thổ xây dựng hai nhà máy ở bang Arizona và đang khảo sát địa điểm xây dựng một nhà máy đóng gói sản phẩm bán dẫn.
Trong khi đó, hãng sản xuất chất bán dẫn Đài Loan đang xây dựng một nhà máy ở bang Arizona và được cho là đang xem xét xây thêm các nhà máy sản xuất ở Mỹ.