Theo dữ liệu do Bộ Khoa học và CNTT Hàn Quốc cung cấp thì con số này thể hiện mức tăng 7,8% so với tháng trước và khách hàng 5G của nhà mạng SK Telecom chiếm 45% tổng số thuê bao 5G, tiếp theo là KT với 30,3% và LG Uplus với 24,7%. Với số lượng thuê bao 5G đạt được này cho thấy thuê bao 5G hiện chiếm gần 10% tổng số thuê bao di động của cả nước.
Chính phủ Hàn Quốc gần đây cho biết, các nhà mạng di động bao gồm SK Telecom, KT và LG Uplus đã đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng để mở rộng dịch vụ 5G tại Hàn Quốc và họ đã triển khai tổng cộng 115.000 trạm gốc 5G trên cả nước.
Vào tháng 3, chính phủ Hàn Quốc cho biết ba nhà mạng viễn thông lớn của nước này đã đồng ý đầu tư 4 nghìn tỷ won (khoảng 3,4 tỷ USD) vào mạng 5G của họ trong nửa đầu năm nay. Các nhà khai thác sẽ đầu tư mạnh mẽ để lắp đặt thêm thiết bị 5G với mục đích mở rộng vùng phủ sóng của các mạng 5G hiện tại trên toàn quốc.
Trong một cuộc gọi hội nghị với các nhà đầu tư, Poong-Young Yoon - Giám đốc Tài chính của SK Telecom, nhà khai thác di động lớn nhất của Hàn Quốc cho biết, SK Telecom dự kiến sẽ đạt 6-7 triệu thuê bao trong phân khúc 5G vào cuối năm 2020.
Trong khi đó, các nhà khai thác di động đối thủ của SK Telecom là KT và LG Uplus đã kết thúc năm 2019 với tổng số thuê bao trong phân khúc 5G tương ứng là 1,42 triệu và 1,16 triệu.
Một báo cáo gần đây cho biết, các công ty viễn thông Hàn Quốc cũng dự kiến sẽ thương mại hóa mạng di động 5G sử dụng băng tần sóng milimet nhằm cung cấp tốc độ cực cao trong năm nay.
Các dịch vụ 5G trong băng tần sóng milimet ban đầu sẽ cung cấp cac dịch vụ phục vụ cho phân khúc doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B). Các nhà khai thác chưa hoàn thành các kế hoạch đầu tư cho phân khúc doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C), vì chi phí để xây dựng thêm cơ sở hạ tầng vẫn là một vấn đề lớn.
Báo cáo cũng cho biết, do liên quan đến chi phí đầu tư nên việc ra mắt mạng 5G trong băng tần sóng milimet cho các thiết bị thông minh cá nhân có thể sẽ bắt đầu vào năm 2021 hoặc vào năm 2022.
Trước đó, vào tháng 6 năm 2018, Hàn Quốc đã hoàn thành một quy trình đấu giá phổ tần số thông qua đó họ đã trao phổ tần ở cả hai băng tần 3,5 GHz và 28 GHz cho các nhà mạng. Chính phủ đã cung cấp tổng cộng 280 MHz trong băng tần 3,5 GHz và 2.400 MHz trong băng tần 28 GHz và lượng phổ tần này được chia tương ứng thành 28 khối (mỗi khối 10 MHz) và 24 khối (mỗi khối 100 MHz).
Giấy phép băng tần 3,5 GHz có thời hạn 10 năm và băng tần 28 GHz có thời hạn 5 năm.