Hội thảo – Triển lãm Quốc gia về An ninh Bảo mật (Security World) là diễn đàn quốc gia lớn nhất và uy tín nhất tại Việt Nam trong lĩnh vực
Theo PGS.TS Hoàng Phước Thuận, việc phòng chống và ứng phó với những nguy cơ mới đến từ không gian mạng được nhiều quốc gia xác định là nội dung cốt lõi trong bảo vệ, phát triển đất nước.
Phát biểu khai mạc Security World 2018, PGS.TS Hoàng Phước Thuận nhận định: Sự phát triển mạnh mẽ của CNTT đã làm xuất hiện nhiều nguy cơ mới đe dọa an ninh các quốc gia từ không gian mạng. Hoạt động tấn công, xâm nhập hệ thống mạng thông tin, đánh cắp, làm thay đổi hoặc phá hoại các thông tin, dữ liệu... trong hầu hết các lĩnh vực là mối lo ngại thường trực đối với tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Cùng đó, các cuộc tấn công mạng, phát tán thông tin sai lệch mang màu sắc chính trị liên tục diễn ra tác động không nhỏ đến an ninh và chính trường của nhiều quốc gia. Cũng chính vì thế, theo ông, việc phòng chống tấn công mạng, tội phạm mạng, gián điệp mạng, khủng bố mạng, chiến tranh mạng và ứng phó với những nguy cơ mới đến từ không gian mạng đã trở thành vấn đề toàn cầu, được nhiều quốc gia xác định là nội dung cốt lõi trong bảo vệ, phát triển đất nước.
Chỉ riêng năm 2017 vừa qua, Việt Nam đã phải đối diện với 3 vấn đề mất an toàn, an ninh thông tin lớn mà trong đó, đáng chú ý là việc hàng loạt các cuộc tấn công mạng diễn ra với quy mô lớn, cường độ cao nhắm vào các lĩnh vực trọng yếu cũng như các công trình quan trọng của quốc gia. Đại đa số các cuộc tấn công này đều diễn ra thông qua hạ tầng truyền dẫn vật lý như trục truyền dẫn quốc tế, trục truyền dẫn nội bộ quốc gia và hạ tầng dịch vụ lõi. Hơn nữa, hầu hết các cuộc tấn công không còn diễn ra một cách tự phát, đơn lẻ mà đã trở thành những chiến dịch, có hệ thống, quy mô lớn.
Bên cạnh đó, theo nhận định của ông Nguyễn Trọng Đường – Giám đốc Trung tâm Ứng cứu Khẩn cấp Máy tính Quốc gia (VNCERT) - thì tình trạng lây nhiễm mã độc cũng trở nên đáng lo ngại. Các mã độc ngày càng tinh vi, phức tạp, đặc biệt là những mã độc đa mục đích, vừa mã hóa dữ liệu, vừa tống tiền, vừa ăn cắp dữ liệu. Điển hình như mã Wannacry bùng phát giai đoạn giữa năm 2017, tấn công gần 250 doanh nghiệp Việt Nam, gây nhiều thiệt hại.
Trình bày tham luận tại Hội thảo, ông Nguyễn Thanh Hải – Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và truyền thông) nhận định: Các cuộc tấn công mạng có xu hướng tập trung vào các lỗ hổng, các điểm yếu của các thiết bị IoT mà điển hình là các camera giám sát, điều này sẽ gây nhiều khó khăn cho chính phủ, đặc biệt là khi triển khai các dự án chính phủ điện tử hay thành phố thông minh.
Theo ghi nhận từ các chuyên gia, năm 2017 vừa qua có các điểm sáng đáng ghi nhận là mức độ quan tâm đến an toàn, an ninh thông tin của các tổ chức, các doanh nghiệp, từ chính phủ đến người dân đều đã được nâng cao. Thứ hai là hệ thống hành lang pháp lý cho việc đảm bảo an toàn, an ninh thông tin đã tương đối hoàn thiện. Bên cạnh đó, nhận thức về vấn đề này của các doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan cũng như người dùng đã từng bước được cải thiện.
Security World 2018 có 2 Chuyên đề chính. Trong đó, chuyên đề 1 về An toàn, an ninh mạng cho khối Chính phủ: Xu hướng và giải pháp công nghệ, Chuyên đề 2 về Thông tin doanh nghiệp và Bảo mật dữ liệu.
Song song với Chương trình Hội thảo là Triển lãm Công nghệ Bảo mật 2018, giới thiệu những giải pháp, sản phẩm bảo mật tiên tiến, hiện đại như Bảo mật mạng, Bảo mật điện toán đám mây, Mã hóa, Dữ liệu lớn, Ảo hóa, Quản lý nhận dạng và Kiểm soát truy cập, v.v… Tham gia Triển lãm năm nay là các đơn vị công nghệ, với các chuyên gia tư vấn giải pháp hàng đầu khu vực trong lĩnh vực an ninh thông tin và quản trị rủi ro: Samsung, Cisco, Kaspersky, Huawei, Parasoft, Verint System, Novicom, Renova, Parasoft, Tufin, Synology, DT Asia, Netnam, CMC, v.v…