Ít ai biết rằng, sau những giờ học trên lớp, cậu học sinh trường PTDTNT THCS Cam Ranh, Khánh Hòa này đã dành thời gian buổi tối để hoàn thiện sản phẩm lập trình từ chiếc máy tính cũ của trường đã được trang bị từ cách đây 10 năm.
Sinh ra trong một gia đình thuần nông có hoàn cảnh khó khăn, nhưng Bo Bo Nam vẫn rất lanh lợi và chịu khó học hỏi. Đặc biệt yêu thích môn Tin học, nên khi cô giáo đưa chương trình Tin học ứng dụng và Khoa học máy tính của dự án YouthSpark về trường, Nam là học sinh đầu tiên đăng kí mượn sách về tự học. Em học trước các nội dung trong bộ giáo trình và say mê với học lập trình, nhất là lập trình Scratch. Nam chia sẻ: “Em rất yêu thích Scratch vì lập trình rất thú vị lại trực quan, không quá khó và trừu tượng nên làm em thấy thực sự lôi cuốn.”
Để tạo điều kiện cho các em có môi trường thực hành, phòng máy của trường được mở cửa vào những thời điểm quy định sau giờ học. Lần nào phòng máy mở, Nam cũng vào học thêm, làm bài tập và hoàn thiện sản phẩm. Chương trình “Học tiếng Anh qua chủ đề bảo vệ môi trường” do Nam sáng tạo cho phép các bạn học sinh vừa chơi vừa học, bên cạnh việc giải đáp các câu đố liên quan đến các từ khóa về môi trường trong tiếng Anh, chương trình còn đưa ra các kiến thức liên quan về bảo vệ môi trường đã được hội đồng chấm giải đánh giá cao về ý tưởng, nội dung và cách thể hiện.
Câu chuyện về Nam chỉ là một trong số rất nhiều những câu chuyện ấn tượng về hành trình vượt khó của hàng ngàn học sinh dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa trên khắp cả nước đến với lớp học dự án YouthSpark. Dự án do Microsoft tài trợ, Cục Công nghệ thông tin - Bộ Giáo dục và Đào tạo và Trung tâm CNTT- Truyền thông Vietnet (Vietnet-ICT) phối hợp triển khai từ năm 2016. Sau hơn hai năm triển khai, hơn 1.500 giáo viên và gần 200.000 học sinh các khu vực khó khăn của 14 tỉnh thành phố, bao gồm: Hà Nội, Hòa Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Nguyên, Quảng Nam, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Kiên Giang, Sóc Trăng, An Giang, Vũng Tàu và TP Hồ Chí Minh đã được tiếp cận với phương pháp giảng dạy tích cực và nội dung CNTT, khoa học máy tính cập nhật và hội nhập toàn cầu.
Bà Lê Hồng Nhi – trưởng phòng Quan hệ cộng đồng, Microsoft Việt Nam chia sẻ: “Kết quả triển khai dự án trong suốt hai năm đã chứng minh rằng việc đưa khoa học máy tính và CNTT đến với thanh thiếu niên vùng sâu vùng xa, dân tộc thiểu số là rất cần thiết và có ý nghĩa thiết thực. Các em nhỏ được trang bị các kỹ năng sử dụng CNTT, làm chủ khoa học máy tính, phát triển tư duy lập trình để giải quyết các bài toàn thực tiễn của địa phương. Thông qua dự án này, Microsoft hy vọng sẽ giúp thúc đẩy một thế hệ trẻ Việt Nam, đặc biệt là cộng đồng thiệt thòi, sẵn sàng hội nhập trong cuộc cách mạng số”
Là một hoạt động trong khuôn khổ dự án, sân chơi Giờ Lập trình và Giao lưu sản phẩm CNTT 2017 được phát động nhằm khuyến khích, tạo động lực và tìm kiếm những tài năng tin học nhỏ tuổi. BTC đã trao 68 giải thưởng cho các nhà trường, thầy cô và học sinh để ghi nhận những nỗ lực, sáng tạo và tâm huyết của cả thầy và trò. Trong đó, các sản phẩm CNTT và khoa học máy tính xuất sắc đã gây ấn tượng mạnh về tính sáng tạo, khả năng sử dụng công nghệ thành thạo, ý nghĩa tích cực, xoay quanh các chủ đề lịch sử, an toàn giao thông, quê hương, bảo vệ môi trường…
Lễ trao giải được tổ chức ngày 20/1/2018 tại Hà Nội dành cho các tỉnh thành phía Bắc”, và tổ chức tại TP Hồ Chí Minh ngày 28/1/2018 dành cho khu vực miền Trung và miền Nam. Hai sự kiện đã hội tụ đông đảo các em thanh thiếu niên, giáo viên, nhà lãnh đạo giáo dục từ nhiều vùng miền đất nước để chia sẻ các sáng kiến về dạy và học CNTT cũng như các ứng dụng của CNTT giáo dục và trong đời sống.