Rất nhiều dòng chip hỗ trợ
Đó là chia sẻ của Qualcomm trong buổi gặp gỡ giới truyền thông tháng 1/2016. Theo đó, những dòng chip phổ thông của Qualcomm hiện đã hỗ trợ 4G LTE và hiện đang được sử dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia. Riêng với tốc độ thử nghiệm 4G của VinaPhone với thiết bị từ Úc, con số 600 Mbps cũng đã được Qualcomm tích hợp vào dòng chip Snapdragon 820 và đã được 80 hãng sản xuất áp dụng cho sản phẩm của mình trong năm 2016.
Với Intel, dòng chip Atom lõi tứ 64 bit hiện tại cũng đã hỗ trợ kết nối 4G với tốc độ tối đa Cat 4 150Mbps. Thử nghiệm trên dòng máy Asus ZenFone 2, lên kệ từ tháng 4/2016, tốc độ 4G VinaPhone đạt con số gần 100Mbps, một con số khá cao so với tốc độ WiFi hiện tại. Trong khi đó, các dòng chipset di động Atom bao gồm x3, x5 và x7 mà Intel đã được tích hợp trên rất nhiều thiết bị và đều hỗ trợ 4G LTE Cat 6, tương đương hơn 300Mbps. Với một số dòng chip x5, x7 tốc độ hiện đã hỗ trợ Cat 6, lên đến 450Mbps.
Một thương hiệu khác là MediaTek. Ngoài chuẩn Helio X10 dùng để cạnh tranh SnapDragon 820, thì các dòng phiên bản mới của 67XX hiện đã hỗ trợ cho cả 4G quốc tế bên cạnh các WiFi Dual. Thậm chí, ngay cả dòng chip P cũng đã được tích hợp vào nhiều thương hiệu, mang đến tốc độ 4G khá ổn định ở con số 300Mbps - Cat 6.
Đa dạng thiết bị
Nhờ lộ trình được hoạch định sớm, nên không chỉ tại Việt Nam và quốc tế, thiết bị hỗ trợ 4G ở nhiều chuẩn hiện đang khá đa dạng và ở mức tầm trung do giá của các dòng chip hỗ trợ đang rất nhiều.
Tùy theo mỗi chuẩn kết nối (đến Cat 12) mà tốc độ 4G được hỗ trợ trên các dòng máy sẽ khác nhau ở con số.
Tại Việt Nam, không khó để tìm những thiết bị có hỗ trợ 4G nhờ vào các dòng chip tích hợp. Các thương hiệu như Samsung, Sony, LG, Oppo… đều đã có smartphone 4G. Trong khi đó thì ở thương hiệu Việt, hiện Mobiistar cũng đã ra mắt dòng smartphone 4G với mức giá tầm trung như Prime X.
Trao đổi với Nhịp Sống Số, ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm khu vực Đông Dương cho biết giá của các dòng chip 4G hiện đang ở mức thấp, điều này cũng cho thấy 4G sẽ rất phổ thông trong giai đoạn 2016 này. Qua tìm hiểu được biết, hầu hết các thiết bị được lên kệ từ đầu năm 2015 đã được nâng cấp 4G, dù tại Việt Nam và thế giới công nghệ này cũng chỉ triển khai ở khu vực giới hạn thời điểm đó.
Dịch vụ đa nền tảng
Với sự ra đời của 4G, người dùng không chỉ được lợi về mặt giá cước, mà còn ở thiết bị đầu cuối khi có thể khai thác nhiều hơn nhờ tốc độ vượt trội.
Theo VinaPhone, các dịch vụ mà nhà mạng cung cấp cho người dùng trên nền tảng 4G sẽ mang tính trải nghiệm là chủ yếu như xem video chất lượng cao (Mobile TV), truyền video trực tuyến (Mobile Broadcast), truyền hình hội nghị (Cloud Video Conferencing), máy tính cá nhân ảo (Daas)…
Riêng về gói cước, thì 4G do VinaPhone chủ yếu cung cấp theo gói dịch vụ thay cho việc tính cước theo MB hay không giới hạn như 3G. Điều này giúp người dùng có tốc độ kết nối tối ưu và trọn vẹn hơn trên nền tảng mới nhờ công nghệ 4G.
Trong khi đó, Viettel cho biết cước 4G về cơ bản sẽ không thay đổi so với 3G, thậm chí có thể rẻ hơn. Nhà mạng Viettel trước đó từng thử nghiệm thành công 4G tại Bà Rịa Vũng Tàu ở chuẩn Cat 6.
Cùng với lộ trình 4G sắp triển khai, MobiFone hiện cũng tăng cường các gói cước giải trí chất lượng cao dành cho video như Youtube và FPTPlay. Đây cũng chính là dịch vụ chính được nhiều nhà mạng cung cấp trên nền tảng 4G.
Tại các nước trong khu vực, 4G được chủ yếu cung cấp theo gói dịch vụ theo data GB. Trong đó gói cước 5GB có mức từ trung bình từ 500.000 đồng – 900.000 đồng.
Cùng với công nghệ tăng cường trên 4G, các dịch vụ OTT từ các nhà mạng cũng sẽ được nâng chất lượng, mở ra xu thế viễn thông cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng là chủ yếu, thay cho dịch vụ thoại và phi thoại như hiện nay. Đây cũng chính là xu hướng IoT mà sự kết hợp của viễn thông là điều tất yếu trong việc mang hạ tầng dịch vụ phục vụ người dùng và kết nối vạn vật.