Theo đại diện Viettel, hệ thống này là giải pháp mang lại lợi ích kép với cả doanh nghiệp và chính phủ, đặc biệt là giúp các công ty viễn thông đa quốc gia quản lý hoạt động thuê bao dễ dàng, đảm bảo chủ quyền về di động ở các vùng biên giới không có cửa khẩu. Giải pháp đã được công nhận là Sản phẩm Quản lý Viễn thông cho khách hàng tốt nhất tại Giải thưởng Công nghệ thông tin thế giới (IT World Awards).
Thực tế cho thấy, đã có nhiều trường hợp khi thuê bao đến các vùng giáp ranh (biên giới), sóng di động buộc phải chuyển vùng sang các mạng nước ngoài. Sự cố có thể khiến khách hàng mất thêm chi phí, đồng thời gửi đi thông điệp xấu về chủ quyền đất nước. Để đối phó tình trạng này, vBRG cho phép nhà quản lý có thể tạo lập các thông số khác nhau về nhu cầu roaming ở mỗi vùng lãnh thổ. Cảnh báo cũng sẽ được hệ thống chủ động gửi tin nhắn tới từng thuê bao khi việc roaming bị từ chối. Nhờ đó, chỉ trong thời gian ngắn được đưa vào vận hành, hệ thống này đã giải quyết hầu hết các khiếu nại của khách hàng về việc phải trả phí chuyển vùng không mong muốn dù vẫn đang ở trong nước.
Theo đại diện Viettel, với việc đầu tư và kinh doanh tại 11 quốc gia, Tập đoàn này có nhiều kinh nghiệm trong việc điều hành hoạt động viễn thông đa quốc gia, nhiều năm duy trì hệ thống một máy chủ ở quốc nội phục vụ chuyển vùng cho tất cả các các mạng ở quốc gia kinh doanh khác. Việc cập nhật vị trí để chuyển vùng cho thuê bao được thực hiện thông qua hệ thống tập trung, điều tiết tuỳ theo múi giờ, nhu cầu của thuê bao tại từng vùng, giúp giảm chi phí cho xã hội, đồng thời bảo vệ được lợi ích chính đáng của người dùng.
Các doanh nghiệp, với hệ thống kinh doanh trải dài qua nhiều lãnh thổ, khi áp dụng giải pháp này sẽ giảm được chi phí phần cứng và vận hành. So với giải pháp tương tự của nước ngoài với chi phí lên đến 10 USD/thuê bao, sáng kiến kỹ thuật của Viettel đã làm lợi về kinh tế lên tới 600.000 USD chỉ riêng tại thị trường Việt Nam.
IT World Awards là giải thưởng thường niên do Network Product Guide tổ chức, nhằm tôn vinh những thành tựu tiêu biểu của ngành CNTT trên thế giới, từ năm 2006.
Giải thưởng luôn có sự tham dự của những tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới như Samsung, Ultimate Software Dell, Cisco... Ở Việt Nam, Viettel là doanh nghiệp đầu tiên tham gia và đoạt giải thưởng lớn, đến nay vẫn là doanh nghiệp có bề dày thành tích lớn nhất tại giải này với tổng cộng 21 giải thưởng quan trọng.
Năm 2020, Tập đoàn Viettel đoạt 9 giải thưởng lớn.