Hộ chiếu vaccine có thể cứu ngành du lịch toàn cầu?

Hộ chiếu vaccine có thể cứu ngành du lịch toàn cầu?
Tạp chí Nhịp sống số - Hộ chiếu vaccine được kỳ vọng giúp nối lại các chuyến bay quốc tế. Tuy nhiên, việc triển khai trên phạm vi toàn cầu gặp nhiều khó khăn.

Khi các đợt tiêm chủng vaccine Covid-19 được triển khai rộng rãi tại Mỹ, châu Âu và nhiều quốc gia khác, sự chú ý dồn vào hộ chiếu vaccine.

Theo CNBC, hồi tuần trước, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế tuyên bố chứng chỉ thông hành hàng không kỹ thuật số sẽ giúp nối lại các chuyến du lịch quốc tế và du khách sẽ không phải cách ly bắt buộc.

Ứng dụng mới sẽ cho phép các chính phủ và hãng hàng không thu thập, truy cập và chia sẻ thông tin được mã hóa liên quan đến tình trạng tiêm chủng và xét nghiệm Covid-19 của hành khách trước khi di chuyển. Ứng dụng hiện được 30 hãng hàng không thử nghiệm.

Phòng Thương mại Quốc tế và Diễn đàn Kinh tế Thế giới cũng tạo ra các ứng dụng tương tự, có tên ICC AOKpass và CommonPass. Những quốc gia như Đan Mạch và Thụy Điển đã tung ra hộ chiếu y tế riêng. Nhiều gã khổng lồ công nghệ tìm cách tham gia.

Tương lai của ngành du lịch?

"Hộ chiếu y tế kỹ thuật số là gì và chúng sẽ đóng vai trò như thế nào trong việc phục hồi ngành hàng không?" là câu hỏi được đặt ra. Theo CNCB, trước hết hộ chiếu vaccine sẽ cho thấy một cá nhân tiêm vaccine chống Covid-19 hay chưa.

Dữ liệu dưới dạng mã QR được lưu trữ trên điện thoại hoặc ví kỹ thuật số. Trên thực tế, trong quá khứ, hành khách nhiều nước từng phải xuất trình thẻ vàng để chứng minh đã tiêm chủng các bệnh như tả, sốt vàng da và rubella khi tới một số quốc gia.

Tuy nhiên, đây là lần đầu ngành công nghiệp hàng không đưa ra một giải pháp thay thế kỹ thuật số. "Hãy tưởng tượng cảnh 180.000 người xuất trình một tờ giấy cần được kiểm tra và xác nhận", ông Mike Tansey, Giám đốc điều hành Accenture, bình luận. 180.000 người là số lượng hành khách trong một ngày của sân bay Changi ở Singapore trước dịch Covid-19.

Ông Tansey đã làm việc với một số hãng hàng không lớn ở Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương về chiến lược chứng chỉ thông hành kỹ thuật số. Ông tiết lộ kế hoạch tăng tốc sau khi các chiến dịch tiêm chủng vaccine được triển khai. "Câu trả lời hiển nhiên là có, chúng tôi sẽ làm", ông Tansey khẳng định.

Ông Tansey không phải người duy nhất cho rằng hộ chiếu vaccine là cách nhanh và hiệu quả nhất để nối lại du lịch quốc tế. Theo giáo sư Jase Ramsey tại Đại học Kinh doanh Lutgert, xác suất hộ chiếu được chấp nhận là “rất cao”.

Tuy nhiên, theo ông, một số hành khách sẽ dè chừng trước các chứng chỉ kỹ thuật số vì lo ngại về bảo mật và dữ liệu. "Giống với bất cứ ứng dụng nào lưu trữ hồ sơ sức khỏe, sẽ có những lo ngại về quyền riêng tư và nguy cơ lừa đảo", ông Ramsey nói thêm.

Tuy nhiên, theo công ty chứng nhận tài liệu Accredify, các hệ thống chứng nhận kỹ thuật số dựa trên blockchain có khả năng chống làm giả.

"Những tài liệu y tế được lưu trữ riêng tư và an toàn trong ứng dụng. Chỉ người dùng có quyền tiếp cận chúng. Điều này cho phép người sử dụng quyết định chia sẻ hồ sơ y tế với ai và khi nào", người phát ngôn của Accredify khẳng định.

Thách thức lớn

Theo một nghiên cứu mới đây của trang tin tức du lịch The Vacationer, 73,6% người Mỹ được khảo sát cho biết họ sẽ sử dụng hộ chiếu vaccine hoặc ứng dụng y tế để các hãng hàng không và chính quyền có thể kiểm tra tình trạng tiêm chủng và kết quả xét nghiệm.

Tuy nhiên, sự thành công của hộ chiếu vaccine sẽ phụ thuộc vào hiệu quả của vaccine. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây kêu gọi các nước cẩn trọng với hộ chiếu vaccine. Theo đó, các nhà chức trách và hãng bay không nên coi tiêm chủng là điều kiện để di chuyển quốc tế.

"Hiệu quả của vaccine trong việc ngăn ngừa lây nhiễm Covid-19 vẫn là chưa rõ ràng. Thêm vào đó, nguồn cung vaccine toàn cầu còn hạn chế", người phát ngôn của WHO giải thích.

Một thách thức khác là điều phối những loại hộ chiếu vaccine (hiện có và đang chờ xử lý) khác nhau. Ngoài ra, cần đảm bảo chứng chỉ của hành khách liên kết với các cơ sở y tế đã được xác minh và phê duyệt. 

"Để hộ chiếu vaccine trở thành một công cụ thiết thực toàn cầu, cần phải có một nền tảng tiêu chuẩn vượt mọi ranh giới, tương tự hệ thống hộ chiếu hiện tại", phó giáo sư Harry Severance tại Đại học Y khoa Duke bình luận.

WHO đang làm việc với các cơ quan (bao gồm Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế và Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế) nhằm phát triển những tiêu chuẩn cho thẻ tiêm chủng kỹ thuật số. Theo tổ chức, quan điểm của họ sẽ dựa trên các bằng chứng đang được cập nhật về vaccine Covid-19.

Một vấn đề khác là khả năng tiếp cận vaccine và công nghệ không đồng đều trên toàn cầu. Theo WHO, khoảng 3,6 tỷ người trên thế giới không được tiếp cận Internet. Khoảng 1,1 tỷ người không thể chứng minh danh tính một cách chính thức. Đối với nhiều người, giấy thông hành vẫn rất cần thiết. 

"Đến năm 2023 hoặc xa hơn, nhiều người từ những quốc gia, khu vực và cộng đồng khác nhau vẫn không thể tiếp cận với vaccine hoặc xét nghiệm Covid-19", tiến sĩ Sharona Hoffman tại Trường Y thuộc Đại học Case Western Reserve cho biết.

Cuối cùng, việc nối lại du lịch quốc tế sẽ phụ thuộc vào mức độ sẵn sàng mở cửa trở lại của mỗi quốc gia, cũng như công nghệ xác minh du lịch.

Theo ông Tansey tại Accenture, các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương có thể hướng tới những thỏa thuận song phương, hay “bong bóng du lịch”, với một số nước láng giềng trước khi mở cửa rộng rãi hơn.

Ông cho rằng những chuyến du lịch hàng không có thể còn xa vời. Nhưng việc hướng tới hộ chiếu y tế kỹ thuật số có thể giúp ngành du lịch và xã hội chuẩn bị tốt hơn cho những biến cố có thể xảy ra trong tương lai.

“Nếu chúng ta phát triển thành công một hệ thống theo dõi hoặc hộ chiếu sức khỏe chuẩn quốc tế, nó sẽ góp phần chuẩn bị sẵn sàng cho một đại dịch có thể xảy ra, thậm chí tồi tệ hơn dịch Covid-19", ông Severance bình luận.

Có thể bạn quan tâm

Tập đoàn hàng đầu về quản lý năng lượng, Schneider Electric đã phát triển nhiều dòng APC UPS tân tiến trong 4 thập kỷ, giúp đảm bảo nguồn điện ổn định và tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng, hỗ trợ trung tâm dữ liệu giảm thiểu dấu chân carbron, hướng đến phát triển bền vững.