Theo Engadget, thẻ "Health ID" này sẽ lưu trữ các thông tin y tế như tình trạng sức khỏe, thông tin bệnh và đơn thuốc trong một “cơ sở dữ liệu chung”. Các bác sĩ và nhà thuốc sẽ cập nhật nó với mỗi lần khám thực tế hoặc ảo. Điểm lý tưởng nhất là người dân sẽ không còn phải nói cho bác sĩ biết về tiền sử bệnh của mình hoặc lo lắng rằng họ sẽ kê một đơn thuốc hoặc phương pháp điều trị gây xung đột.
Chính phủ Ấn Độ cũng nhận thức được các vấn đề về quyền riêng tư một khi áp dụng sáng kiến này. Chủ sở hữu thẻ sẽ phải cấp quyền truy cập tạm thời vào dữ liệu của họ với mỗi lần sử dụng, giải pháp này được cho là sẽ ngăn chặn việc lạm dụng thông tin và các vấn đề về bảo mật.
Dù vậy, vẫn còn một số lo ngại về tính an toàn của dữ liệu, nhất là trong trường hợp thẻ bị đánh cắp, kẻ xấu có thể truy cập và thao túng thông tin của chủ sở hữu thẻ. Bên cạnh câu hỏi về tính bảo mật của cơ sở dữ liệu, nhiều người cũng lo ngại về các khó khăn tiềm ẩn trong trường hợp người dân không có thẻ lúc khẩn cấp. Thậm chí, giả định rằng hệ thống thẻ này hoạt động tốt nhưng với dân số gần 1,4 tỉ người của Ấn Độ, việc duy trì nó một cách suôn sẻ sẽ thực sự là một thách thức lớn.
Hiện vẫn chưa có thông tin đề cập đến thời gian chính thức phát hành loại thẻ này. Động thái diễn ra đúng vào lúc Ấn Độ muốn mọi ngôi làng ở nước này được kết nối với cáp quang trong vòng 1.000 ngày tới.
Thời gian qua, Ấn Độ đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 với hàng chục nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày. Thẻ ID sức khỏe dù có thể không kịp có mặt để đối phó với Covid-19 hiện tại, nhưng chúng sẽ giúp ngăn ngừa các bệnh tương tự bằng cách đảm bảo điều trị nhất quán và các công tác phân phối vắc xin về sau.