Hôm nay, 11/3, tại Hà Nội, hội thảo: “Môi trường Internet an toàn: Giải pháp trong trường học” đã được tổ chức dưới sự bảo trợ của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia – NIC thuộc Bộ KH&ĐT và Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT.
Sử dụng internet: Khi Lợi - Hại song hành
Quyết định số 830 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 – 2025" hướng tới mục tiêu kép đó là bảo vệ bí mật đời sống riêng tư, ngăn chặn các hành vi lợi dụng môi trường mạng để xâm hại trẻ em, trong đó chú trọng trang bị hệ miễn dịch số cho các em; Duy trì một môi trường mạng lành mạnh, phát triển hệ sinh thái các sản phẩm, ứng dụng Việt cho trẻ em học tập, kết nối, giải trí một cách sáng tạo. Việc bảo vệ trẻ em và quản lý việc sử dụng Internet ở trường lớp cũng như ở gia đình cũng là vấn đề lớn được nhiều nhà trường, phụ huynh ngày nay quan tâm.
Chia sẻ tại Hội thảo, các chuyên gia ghi nhận, việc ứng dụng CNTT, sử dụng Internet trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã mang đến nhiều đổi mới cho quá trình dạy và học. Cụ thể, việc khai thác và sử dụng mạng Internet trong học tập có thể giúp học sinh tiếp cận được với nguồn tri thức khổng lồ và các phương pháp học mới một cách nhanh chóng, dễ dàng hơn. Nhưng bên cạnh đó, là những hệ lụy không nhỏ khi trẻ em sử dụng internet, đặc biệt là trong những bối cảnh không có sự tư vấn, giám sát của phụ huynh và giáo viên.
Theo ông Võ Xuân Hoài - Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, trẻ em coi Internet là một phần tất yếu của cuộc sống nhưng cũng là đối tượng dễ tổn thương bởi những tác động tiêu cực khi hoạt động trên môi trường ảo. Vì thế, bảo vệ trẻ em và quản lý việc sử dụng Internet ở trường lớp cũng như gia đình đang là vấn đề lớn được xã hội quan tâm.
Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Đăng Khoa - Phó Cục trưởng phụ trách Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT - nhấn mạnh: "Sự phát triển nhanh về công nghệ tiềm ẩn những rủi ro, đặc biệt cho nhóm đối tượng trẻ em - vốn chưa có đầy đủ nhận thức và kỹ năng tự bảo vệ bản thân trên môi trường mạng".
Theo ông Khoa, không gian mạng có ảnh hưởng quan trọng đối với sự phát triển của trẻ em. Việt Nam có khoảng 24,7 triệu trẻ em, chiếm gần 25% dân số, trong đó 2/3 có thể tiếp cận thiết bị kết nối Internet. Theo thống kê, 82% trẻ em Việt Nam trong độ tuổi 12-13 tuổi sử dụng Internet. Con số này tăng lên 93% với trẻ từ 14-15 tuổi. Hoạt động trực tuyến phổ biến nhất là học tập; vui chơi giải trí và kết nối liên lạc với bạn bè người thân. Đáng lưu ý, có 49% trẻ em sử dụng Internet để chơi điện tử ít nhất 1 tuần/lần.
Theo Khảo sát do Google thực hiện năm 2022, độ tuổi trung bình trẻ em Việt Nam sở hữu điện thoại là 9 tuổi, trong khi độ tuổi trung bình trẻ được trao đổi về an toàn thông tin mạng là 13.
Không chỉ sử dụng tại nhà, các em còn được tiếp cận với Internet thông qua các tiết học CNTT ở trường. Nhưng, thay vì học tập và tìm hiểu theo sự chỉ dẫn của thầy cô, nhiều em học sinh lại lướt Facebook, Tiktok, xem Youtube..., thậm chí chơi game trong giờ học. Điều này đặt ra những rủi ro, khi môn học có mục đích hướng dẫn trẻ sử dụng Internet đúng cách, lại trở thành môi trường để trẻ có thể tiếp cận với những luồng thông tin độc hại.
Bảo vệ trẻ thế nào trước những luồng thông tin độc hại từ internet?
Về chính sách, Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 6/2021 không chỉ tập trung bảo vệ trẻ trên môi trường mạng mà còn mong muốn thúc đẩy phát triển các sản phẩm, ứng dụng giúp các em truy cập, khai thác nguồn tài nguyên trực tuyến một cách chủ động, hiệu quả và an toàn. Tuy nhiên, để chính sách đi vào cuộc sống, cần có những giải pháp, sản phẩm bảo vệ trẻ em trên môi trường internet mang tính thực tiễn cao, có thể áp dụng đại trà từ trường học đến mỗi gia đình.
Chia sẻ tại hội thảo, bà Nguyễn Phương Linh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững (MSD) - cho biết: Theo một khảo sát của MSD về trải nghiệm của trẻ em Việt Nam trên môi trường mạng, 40% cảm thấy không an toàn khi sử dụng Internet và có tới hơn 70% trẻ từng có trải nghiệm không mong muốn khi sử dụng Internet. Những trải nghiệm không mong muốn rất đa dạng như: bị lộ thông tin cá nhân, nhắn tin hoặc chat quấy rối, bị kết bạn xấu, bắt nạt trên mạng…
Nhấn mạnh sự cần thiết của các giải pháp công nghệ hỗ trợ bảo vệ trẻ em, bà Đinh Như Hoa, Trưởng phòng Kiểm định, Cục An toàn thông tin điểm ra 3 loại công nghệ chủ yếu: công nghệ bảo vệ trên các hệ điều hành, trình duyệt, ứng dụng; các thiết bị, ứng dụng bảo vệ trẻ em trên thiết bị đầu cuối; các ứng dụng hỗ trợ phản ánh, kiểm tra.
Ông Ngô Tuấn Anh - CEO Công ty An ninh mạng thông minh SCS - nhận định: “Khi các trường phải trang bị phòng máy kết nối Internet theo quy định, thách thức lớn là tìm kiếm và trang bị những công cụ hỗ trợ theo dõi, quản lý việc sử dụng của học sinh. Thị trường hiện có những giải pháp công nghệ có thể giúp các trường quản lý học sinh trên Internet đơn giản và thuận tiện”.
Đồng quan điểm, ông Phạm Thành Đạt - Đại diện Sangfor Việt Nam - cho biết: “Với sự phát triển ngày càng nhanh của ngành CNTT, nhu cầu sử dụng máy tính của trẻ cũng tăng cao. Đi cùng với đó là những thách thức dành cho nhà trường đến từ bảo mật phòng lab, bảo mật khi học online, thực hành online, văn hoá phẩm độc hại, gian lận thi cử... Đến với sự kiện này, Sangfor đã giới thiệu giải pháp VDI (Virtual Desktop Infrastructure) để thay thế những phòng máy tính truyền thống, giúp tăng cao tính bảo mật, dễ dàng, thuận tiện kiểm soát hành vi của trẻ”
Tham gia vào chủ đề này, bà Lê Tuệ Minh - Chủ tịch hội đồng trường - Hệ thống trường phổ thông liên cấp Edison - cũng chia sẻ "công thức" để có một môi trường không gian mạng an toàn, bảo mật hiệu quả.
"Cần có sự quản lý chặt chẽ của đội ngũ quản trị viên, tường lửa và phần mềm kiểm soát nội dung. Bên cạnh đó, nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng an toàn cho học sinh khi sử dụng Internet, nhà trường đã áp dụng nhiều biện pháp hiệu quả như: đưa nội dung an toàn mạng vào môn học CNTT, môn kỹ năng sống, ban hành bộ quy định về việc sử dụng mạng xã hội dành cho học sinh, tổ chức các hội thảo về an toàn mạng có sự đồng hành cùng các chuyên gia và phụ huynh…", bà Lê Tuệ Minh nói.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Phương Linh khẳng định: “Các em phải được giáo dục, trang bị các kiến thức để trở thành các công dân số chuẩn. Thầy cô và cha mẹ cần là người đồng hành, hướng dẫn và hỗ trợ giúp trẻ làm chủ công nghệ”.