Các kết quả được ghi nhận trong giai đoạn 1 đã đánh dấu thành công bước đầu của dự án trong việc thu hẹp khoảng cách số, khơi dậy niềm đam mê, phát triển những kiến thức và kỹ năng về khoa học máy tính, ứng dụng công nghệ thông tin cho thanh thiếu niên tại các khu vực khó khăn, đồng thời đóng góp những bài học kinh nghiệm là tiền đề mở rộng quy mô trong các giai đoạn tiếp theo.
Cụ thể, sau 12 tháng triển khai từ tháng 3/2016 đến tháng 3/2017, dự án đã xây dựng được một bộ giáo trình môn Tin học trên cơ sở kế thừa chương trình tin học hiện hành và cập nhật các nội dung khoa học máy tính hiện đại, bao gồm các chủ đề: Tin học ứng dụng cơ bản, đồ họa 2D-3D và dựng phim, lập trình 2D-3D và an toàn sử dụng Internet. Trong năm học 2016 – 2017, bộ giáo trình được sử dụng để giảng dạy trong chương trình ngoại khóa tại các trường trung học cơ sở vùng xa, trường dân tộc nội trú và trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn 6 tỉnh/thành phố. Hơn 300 giáo viên Tin học đã tham gia tập huấn bồi dưỡng về kiến thức và phương pháp giảng dạy chương trình này, thông qua cả hai hình thức trực tuyến và tập trung. Qua đó, 52.000 học sinh đang được tiếp cận các nội dung mới mẻ, hấp dẫn và được trải nghiệm các hoạt động học tập tích cực, hướng đến phát triển tư duy thuật toán, tư duy sáng tạo, tư duy hệ thống, năng lực giải quyết vấn đề và làm việc nhóm. Là một trong những học sinh xuất sắc và có sản phẩm thuyết trình tại hội thảo sơ kết lần này, em Phạm Ngọc Quang, học sinh lớp 6A2, trường THCS thị trấn Bo, Hòa Bình hào hứng chia sẻ: “Em và các bạn trong nhóm đã cùng thống nhất kịch bản và lập trình ra trò chơi dân gian ‘Rồng rắn lên mây’. Cả nhóm đã suy nghĩ và thảo luận rất nhiều trước khi tìm ra phương án mô phỏng chính xác nhất. Em thấy lập trình rất thú vị và mong muốn tham gia nhiều lớp học nữa để nâng cao kiến thức và tiếp tục sáng tạo”.
Bên cạnh lộ trình phát triển năng lực tin học ứng dụng và khoa học máy tính cho các em học sinh, dự án còn song song triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức như chương trình Giờ Lập trình (Hour of Code), diễn đàn công nghệ cho thanh niên (YouthSpark Live) và hoạt động du lịch hướng nghiệp, mở ra cơ hội cho hàng ngàn học sinh, sinh viên tham gia các sân chơi sáng tạo, khám phá, trải nghiệm môi trường làm việc thực tế và theo đuổi niềm đam mê công nghệ.
Tại hội thảo, chia sẻ về những kết quả dự án đạt được trong giai đoạn 1, ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục CNTT – Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Dù trong điều kiện gấp gáp về tiến độ thời gian, cũng như gặp nhiều thử thách đối với dự án đầu tiên từ trước tới nay về dạy – học tin học ứng dụng và khoa học máy tính, dự án vẫn đã và đang đạt được những thành tựu rất đang ghi nhận. Kết quả này có ý nghĩa rất thiết thực truyền cảm hứng cho học sinh học tập tin học trong các nhà trường, làm tiền đề cải tiến nội dung và phương pháp dạy tin học trong các trường phổ thông”.
Dự kiến trong trong giai đoạn 2, được triển khai trong 12 tháng tiếp theo, dự án tiếp tục mở rộng quy mô triển khai tới 12 tỉnh/thành phố và sẽ có khoảng 600 giáo viên và 85.000 học sinh được tiếp cận với các nội dung tin học ứng dụng và khoa học máy tính tích cực và đổi mới.