Theo Makeuseof, do trước đây là một thương hiệu con của Huawei, Honor đã bị ràng buộc bởi lệnh cấm từ chính phủ Mỹ cấm các công ty công nghệ Mỹ hợp tác hoặc mua hàng Huawei và công ty con của hãng. Nhưng tình hình giờ thay đổi khi Huawei đã bán Honor, cho phép họ tiến hành kinh doanh với các doanh nghiệp Mỹ.
Honor chủ yếu sản xuất máy tính xách tay và smartphone, được Huawei xây dựng nhằm hướng đến phân khúc tầm trung. Theo thời gian, sự phổ biến của các thiết bị Honor đã bùng nổ khi công nghệ cao cấp của Huawei được đưa xuống các thiết bị mang thương hiệu này.
Vào tháng 11/2020, Huawei bán Honor cho Shenzhen Zhixin New Information Technology có trụ sở tại Thâm Quyến (Trung Quốc) với giá 15,3 tỉ USD, giúp Honor lần đầu tiên được phép tiến hành kinh doanh với các công ty Mỹ mà không bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm. Honor hiện được coi là một công ty điện tử tiêu dùng thay vì viễn thông. Được biết, Huawei phát triển và sản xuất công nghệ truyền thông quan trọng, bên cạnh thiết bị điện tử tiêu dùng.
Trong phát biểu của mình, CEO Zhao Ming của Honor cho biết: “Honor rất vui khi đạt được thỏa thuận hợp tác toàn cầu với Microsoft. Thông qua hệ điều hành và công nghệ chủ đạo, chúng tôi sẽ mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm PC với thiết kế nổi bật, hiệu năng mạnh mẽ và trải nghiệm hàng đầu. Honor khẳng định lấy người tiêu dùng làm cốt lõi, duy trì thái độ hoàn toàn cởi mở và sẽ hợp tác với các đối tác chuỗi công nghiệp toàn cầu”.
Trước khi trở thành công ty độc lập, Honor đã phải đối mặt với viễn cảnh phải xuất xưởng máy tính xách tay chạy Harmony OS, hệ điều hành dựa trên Android do Huawei phát triển. Việc chuyển sang sử dụng Harmony OS sẽ gây tổn hại đáng kể đến thương hiệu của Honor, trong khi việc vận chuyển với Windows 10 sẽ làm hồi sinh Honor trên toàn thế giới.