Động thái trên diễn ra sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump đưa Huawei vào một "danh sách đen" nhằm cấm công ty này hợp tác với các công ty công nghệ Mỹ như Alphabet - nhà sở hữu hệ điều hành Android sử dụng trong điện thoại thông minh (smartphone) do Huawei sản xuất.
Hãng tin Reuters dẫn dữ liệu từ Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) thuộc Liên hiệp quốc cho biết, kể từ khi bị Mỹ áp lệnh cấm, Huawei đã đăng ký thương hiệu Hongmeng ở châu Âu và ít nhất 9 nước khác gồm Campuchia, Canada, Hàn Quốc và New Zealand.
Còn theo dữ liệu của Indecopi, cơ quan chống độc quyền của Peru, Huawei cũng đã nộp hồ sơ đăng ký thương hiệu Hongmeng ở nước này vào hôm 27/5.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ báo Đức Die Welt hồi đầu năm nay, ông Richard Yu, Giám đốc điều hành (CEO) mảng thiết bị tiêu dùng của Huawei, tiết lộ rằng công ty có một hệ điều hành dự bị để phòng trường hợp bị cắt quyền sử dụng phần mềm Mỹ. Tuy nhiên, Huawei - nhà sản xuất điện thoại thông minh (smartphone) lớn thứ nhì thế giới - vẫn chưa công bố chi tiết về hệ điều hành riêng của hãng.
Thông tin đăng ký thương hiệu Hongmeng cho thấy Huawei muốn sử dụng hệ điều hành này cho các thiết bị từ smartphone, máy tính xách tay, cho tới người máy (robot) và TV trên xe hơi.
Theo dữ liệu trên trang web của cơ quan tài sản trí tuệ Trung Quốc, tại nước này, Huawei đăng ký thương hiệu Hongmeng vào tháng 8 năm ngoái và đã được cấp phép vào tháng trước.
Dữ liệu của WIPO cho thấy Huawei bắt đầu đăng ký thương hiệu Hongmeng ở nước ngoài vào ngày 14/5, tại Liên minh châu Âu (EU) và Hàn Quốc, tức là ngay sau khi Mỹ phát tín hiệu sẽ đưa Huawei vào danh sách cấm.
Lệnh trừng phạt của Mỹ được dự báo có thể ảnh hưởng mạnh đến doanh số smartphone của Huawei. Công ty này cũng đã tuyên bố tạm gác mục tiêu trở thành nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới trong quý 4 năm nay.