Huawei đặt cược lớn vào bằng sáng chế 5G ở châu Âu

Huawei đặt cược lớn vào bằng sáng chế 5G ở châu Âu
Tạp chí Nhịp sống số - Hãng thiết bị mạng và viễn thông Trung Quốc là nhà thu thập hàng đầu các bằng sáng chế ở châu Âu trong năm ngoái.

Mặc cho chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump gây áp lực buộc các nước châu Âu ngừng dùng thiết bị của Huawei, hãng này vẫn đang tăng cường dấu chân của mình ở đó. Huawei đã nộp đơn đăng ký bằng sáng chế ở châu Âu nhiều hơn bất kỳ công ty nào khác trong năm ngoái.

Bloomberg dẫn báo cáo của Văn phòng Bằng sáng chế châu Âu (EPO) cho biết, Huawei đã nộp 3.524 đơn xin cấp bằng sáng chế, vượt xa so với vị trí thứ hai của Samsung Electronics với 2.858 đơn. Hai phần ba trong số đơn này của Huawei tập trung vào lĩnh vực truyền thông kỹ thuật số, bao gồm thế hệ mạng không dây tiếp theo 5G.

Giới quan chức châu Âu cho đến nay không ít lần cho thấy thái độ thách thức trước đề nghị từ phía Mỹ. Họ tỏ ra thận trọng trước cảnh báo của chính quyền ông Trump về rủi ro an ninh quốc gia, nhưng không hoàn toàn muốn cấm cửa Huawei. Anh mới đây đã làm Mỹ thất vọng khi cho phép hãng viễn thông Trung Quốc cung cấp thiết bị cho mạng 5G trong nước, dù cho các quan chức chính quyền ông Trump đã không ngừng thúc giục Thủ tướng Anh Boris Johnson và các đồng minh châu Âu khác nên ngừng kinh doanh với Huawei vì cho rằng thiết bị của công ty này có khả năng là công cụ gián điệp. Đây cũng là cáo buộc mà Huawei liên tục phủ nhận.

Nỗ lực của Mỹ suốt thời gian qua khi đưa Huawei vào danh sách đen đã ngăn chặn công ty phát triển kinh doanh. Song, hãng này đã không ngừng vùng vẫy để tìm đường ra.

Mặc dù không có gì đảm bảo tất cả đơn đăng ký bằng sáng chế của Huawei ở châu Âu sẽ thành công, nhưng nỗ lực của công ty cho thấy một điều rõ ràng rằng họ sẽ phần nào được đền đáp, ít nhất là thông qua tiền bản quyền sáng chế, bất kể giới quan chức đưa ra quyết định như thế nào. “Hành động đó cho thấy Huawei đang đầu tư rất nhiều vào sự đổi mới”, Luis Berenguer, người phát ngôn của EPO, nhận xét.

Cho đến nay Huawei là đơn vị thu được nhiều bằng sáng chế truyền thông kỹ thuật số nhất, với số lượng bằng sáng chế gần như tương đương với số bằng của Ericsson và Qualcomm cộng lại. EPO trong năm qua cũng chứng kiến lượng hồ sơ đăng ký bằng sáng chế trong lĩnh vực truyền thông kỹ thuật số tăng 4%. Các công ty từ Mỹ, Trung Quốc và châu Âu mỗi bên đã đóng góp khoảng một phần tư tổng số hồ sơ nói trên.

Các hãng công nghệ Mỹ, dẫn đầu bởi Alphabet và Microsoft, chiếm 38% số hồ sơ bằng sáng chế trong lĩnh vực công nghệ máy tính. Samsung, Huawei và Intel là ba cái tên bổ sung cho danh sách năm ứng viên hàng đầu của lĩnh vực này. Ngoài công nghệ máy tính, các công ty Mỹ còn chiếm ưu thế trong lĩnh vực công nghệ y tế và dược phẩm. Tuy nhiên, con số từ những nghiên cứu khác đang cho thấy Trung Quốc không ngừng nỗ lực để làm suy yếu vị trí thống trị của Mỹ trong tất cả các lĩnh vực công nghệ cao.

Các công ty thường nộp hồ sơ đăng ký bằng sáng chế ở lĩnh vực họ muốn bán sản phẩm, thu lợi nhuận và thực hiện một số hoạt động dựa trên quy tắc của các văn phòng bằng sáng chế khác nhau. Đó là lý do tại sao tập đoàn công nghệ máy tính International Business Machines (IBM) không nằm trong danh sách 50 ứng viên hàng đầu ở châu Âu.

Có thể bạn quan tâm

Tập đoàn hàng đầu về quản lý năng lượng, Schneider Electric đã phát triển nhiều dòng APC UPS tân tiến trong 4 thập kỷ, giúp đảm bảo nguồn điện ổn định và tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng, hỗ trợ trung tâm dữ liệu giảm thiểu dấu chân carbron, hướng đến phát triển bền vững.