Theo Bloomberg, vào tháng 8/2020, chính phủ Mỹ đã mở rộng các lệnh trừng phạt nhằm vào Huawei khi buộc các công ty bên ngoài Mỹ sử dụng phần mềm hoặc phần cứng của Mỹ phải nhận giấy phép hợp tác đặc biệt với Huawei. Điều này đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến Huawei, đặc biệt là mảng kinh doanh chất bán dẫn và bộ phận di động, khiến doanh thu của công ty giảm gần một nửa trong báo cáo tài chính gần đây.
Do lệnh trừng phạt của Mỹ, Huawei không thể mua bộ vi xử lý máy chủ x86 từ Intel, buộc họ phải tìm một tập đoàn trong đó có ít nhất một công ty nhà nước tham gia. Số tiền chính xác của thỏa thuận không được tiết lộ nhưng có thông tin rằng nó vào khoảng hàng tỉ nhân dân tệ.
Trong số những khách hàng tiềm năng, nổi lên nhất là Công ty TNHH đầu tư công nghiệp thông tin Hà Nam có văn phòng tại Trịnh Châu, vốn cũng là đối tác kinh doanh máy chủ của Huawei. Ngoài ra còn có một số công ty khác tham gia vào cuộc đàm phán như nhà sản xuất điện tử tiêu dùng Huaqin Technology Co. Ltd. và một công ty quản lý tài sản đại diện cho chính quyền tỉnh Hồ Bắc. Không rõ liệu các công ty này sẽ đấu thầu với nhau như một liên danh hay riêng lẻ.
Năm ngoái, Huawei đã bán thương hiệu Honor cho các đối tác công nghiệp nhằm giúp công ty con này thoát khỏi các lệnh trừng phạt của Mỹ. Điều này đã giúp Honor tung ra một loạt smartphone như Honor 50 và Magic 3 đi kèm chip Qualcomm và các dịch vụ Google. Tuy nhiên, vào tháng 9, The Washington Post cho biết chính phủ Mỹ đang có ý định để đưa Honor vào danh sách đen như Huawei.
Vào đầu năm 2021, lãnh đạo của Huawei đã cố gắng sắp xếp một cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden để cải thiện quan hệ, tuy nhiên mọi thứ đã không thành công. Sau đó Huawei cố gắng thông qua tòa án để dỡ bỏ lệnh cấm của chính phủ Mỹ đối với việc bán các sản phẩm của họ tại Mỹ và cũng thất bại. Hiện tại, Huawei đang cố gắng phát triển hệ sinh thái với hệ điều hành HarmonyOS và AppGallery của riêng họ.