Ở tâm điểm chú ý trên toàn cầu sau vụ bắt giữ bà Meng Wanzhou, Giám đốc tài chính của tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei Technologies tại Vancouver, Canada, Huawei có ý định tăng cường sự hiện diện tại Thụy Sỹ.
Tập đoàn công nghệ Trung Quốc có kế hoạch mở các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) ở Lausanne và Zurich. Huawei đang hợp tác với nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tư nhân lớn nhất của Thụy Sỹ, Sunrise, để phát triển mạng 5G trong tương lai.
Sunrise cho rằng chiến dịch chống Huawei do Mỹ khởi xướng với cáo buộc tập đoàn Trung Quốc này là một công cụ gián điệp, hoàn toàn mang tính chính trị.
Người phát ngôn của Sunrise, bà Therese Wenger cho biết, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tư nhân lớn nhất của Thụy Sỹ sẽ tiếp tục tin tưởng Huawei vì "không có điều gì bất thường bị phát hiện trong thiết bị hoặc phần mềm của Huawei và không có bằng chứng thuyết phục nào được đưa ra để chứng minh các cáo buộc chống lại Huawei.
Sunrise cũng cho rằng ít có khả năng xảy ra rò rỉ dữ liệu ảnh hưởng đến mạng của Sunrise. Doanh nghiệp Thụy Sỹ này kiểm tra thiết bị mạng theo tất cả các lỗ hổng được biết đến trong lĩnh vực an ninh mạng, điều này được các chuyên gia bên ngoài về bảo mật mạng di động xác nhận".
Tại Thụy Sỹ, Huawei có trụ sở tại Dübendorf (thuộc bang Zurich, phía Đông Bắc Thụy Sỹ), với 350 nhân viên.
Swisscom, doanh nghiệp hàng đầu trong thị trường viễn thông Thụy Sỹ, cộng tác với Huawei về mạng cố định, cho rằng không có bằng chứng về sự bất thường của Huawei. Swisscom nhấn mạnh, đến nay vẫn chưa có thông tin khiến phải lo ngại về an ninh đối với Huawei.
Swisscom khẳng định có sự lựa chọn kỹ lưỡng các nhà cung cấp và tin tưởng vào tính chuyên nghiệp của các nhà cung cấp này, bất kể nhà cung cấp có nguồn gốc xuất xứ từ quốc gia nào.
Sự quan tâm của các công ty Trung Quốc đối với nền kinh tế Thụy Sỹ là một chủ đề nóng kể từ khi tập đoàn hóa chất của Trung Quốc mang tên ChemChina mua lại công ty sản xuất thuốc trừ sâu của Thụy Sỹ, Syngenta. Thượng nghị sỹ bang Bern, Hans Stöckli, đã đệ trình một kiến nghị về việc giám sát các khoản đầu tư nước ngoài.
Thượng nghị sỹ Hans Stöckli cũng cho rằng, Thụy Sỹ không có luật định đòi hỏi có sự cảnh giác và rõ ràng hơn trong việc bảo vệ lợi ích an ninh và kinh tế quốc gia. Đồng thời ông nhấn mạnh, điều này không chỉ liên quan đến vấn đề đầu tư, mà còn cả các quan hệ đối tác nữa.
Theo ông Hans Stöckli, mối lo ngại này vượt qua những khoảng cách giữa các đảng phái và có thể khiến Bộ trưởng Kinh tế mới nhậm chức, ông Guy Parmelin quan tâm nhiều hơn, bởi so với người tiền nhiệm, ông Johann Schneider-Ammann, Bộ trưởng Kinh tế mới của Thụy Sỹ là người tỏ ra nhạy cảm hơn với các vấn đề về bảo mật máy tính.