Hội nghị trực tuyến đối thoại phát triển địa phương 2021 với chủ đề: “Thực thi mục tiêu phát triển trong trạng thái bình thường mới" do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ tổ chức ngày 13/7/2021.
Chuyển đổi số giúp chính quyền hiện đại hơn, thông minh hơn...
Phát biểu trong sự kiện này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: Covid-19 khiến giảm tiếp xúc, có khi giãn cách xã hội hoặc cách ly. Để ứng phó với điều này, chính quyền số là chính quyền có khả năng cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến.
"Do Covid nên không đến siêu thị, không mang quả vải thiều ra chợ bán được. Kinh tế số là các sàn thương mại điện tử, là giao hàng tận nhà, là quả vải thiều của bà con có thể bán đến mọi hộ gia đình Việt Nam", Bộ trưởng đưa ra ví dụ.
Tương tự, do dịch bệnh, mọi người có thể hạn chế đến cơ quan, công sở... nhưng các nền tảng số sẽ giúp họ có thể làm việc tại nhà, họp trực tuyến. Hay như học sinh thì sẽ học trực tuyến, được cho là mức tối thiểu. Theo Bộ trưởng, mức cao hơn là chính quyền có cho phép 20-30% số môn được học online, thi online không? Nhà nước có cấp phép cho đại học số không để gần như 100% học online, thi online, ai ở đâu cũng được, học lúc nào cũng được, thực hành phòng Lab ảo, thi lúc nào cũng được và khi đủ tín chỉ, chứng chỉ thì cấp bằng.
Với lĩnh vực y tế, bài toán đặt ra là có ứng dụng nào để người dân có thể tư vấn khám chữa bệnh từ xa, để ngay cả một người nông dân ở xã biên giới cũng có thể tiếp cận online với bác sỹ chuyên khoa hàng đầu cả nước. Nếu có, đó là xã hội số.
Hay như việc truy vấn lịch sử tiếp xúc của F0, Chính quyền có công nghệ truy vết nào giúp họ nhớ lại không?
Mạng di động sẽ ghi nhận họ đã đi qua các khu phố nào, QRC sẽ ghi nhận đã ra vào các cơ sở nào, Bluezone sẽ ghi lại các tiếp xúc gần. Việc truy vết sẽ trở nên đơn giản và chính xác, đỡ vất vả cả cho cả chính quyền và người dân. Truy vết nhanh và chính xác sẽ không phải giãn cách diện rộng, không phải cách ly, phong toả nhiều và vì thế, các hoạt động kinh tế- xã hội vẫn có thể diễn ra. Đó là chính quyền số.
Ngoài ra, khi đi xét nghiệm, tiêm vaccine phải xếp hàng dài và chen chúc để đến lượt, để lấy giấy chứng nhận, nguy cơ lây nhiễm lại tăng cao hơn. Vậy có cách nào để đăng ký trước, đến giờ thì tới và cấp chứng nhận điện tử về xét nghiệm, tiêm vaccine qua điện thoại di động không? Nếu có, đó là chính quyền số.
“Phản ứng nhanh hơn và hiệu quả hơn với những thay đổi nhanh, phức tạp và khó lường là dấu hiệu của quản trị hiện đại. Mỗi thách thức mới lại tạo ra một sự phát triển mới, đó là chính quyền thông minh. Chuyển đổi số là nhằm làm cho chính quyền hiện đại hơn, thông minh hơn và có sức chống chịu cao hơn”, Bộ trưởng nói.
Xây dựng một xã hội được số hóa toàn diện sau Covid
Cùng với việc ứng phó đại dịch, Việt Nam nên làm gì để trở thành một trong số các quốc gia đi đầu về chuyển đổi số, để sau Covid sẽ xuất hiện ở một trạng thái mới- một xã hội được số hoá toàn diện?
Kỷ nguyên số hoá đã bước vào giai đoạn ba, là giai đoạn số hoá tổ chức, số hoá theo chiều ngang, đưa toàn bộ hoạt động của tổ chức lên môi trường số, thay đổi cách vận hành, là chuyển đổi số.
Hai giai đoạn trước gồm: giai đoạn một là số hoá thông tin và giai đoạn hai là số hoá qui trình, số hoá từng chức năng theo chiều dọc, ứng dụng công nghệ thông tin.
Chuyển đổi số ở Việt Nam có sự khác biệt. Theo Bộ trưởng, đặc điểm lớn nhất của chuyển đổi số ở Việt Nam là "ba trong một": Thực hiện chuyển đổi số cả tổ chức cùng với việc số hoá dữ liệu (như số hoá các văn bản lưu trữ), số hoá qui trình (như số hoá công tác tổ chức cán bộ, tài chính kế toán).
Ba trong một cùng với việc sử dụng những công nghệ số mới nhất sẽ giúp công cuộc chuyển đổi số nhanh hơn và rẻ hơn.
Vì giai đoạn một và hai chưa làm được nhiều nên Việt Nam có cơ hội ứng dụng những nền tảng số hiện đại nhất để đẩy nhanh chuyển đổi số.
Theo Bộ trưởng, để chuyển đổi số, 70% là quyết tâm chính trị, là quyết liệt triển khai của lãnh đạo, là tri thức của hệ thống chính quyền; còn công nghệ chỉ chiếm 30%. Sự thông minh của máy tính đầu tiên là do tri thức của hệ thống chính quyền. Những người xuất sắc nhất của chính quyền phải tham gia cùng người làm công nghệ.
Chuyển đổi số là để giải quyết bài toán nan giải làm việc hybrid (nửa trên máy tính, nửa ngoài máy tính), rất khó kiểm soát hoạt động của nhân viên. Vì vậy, nhiệm vụ của chuyển đổi số là đưa mọi hoạt động của chính quyền lên môi trường số. Nhân viên sẽ làm việc chỉ trên một môi trường duy nhất, kết thúc giai đoạn hàng chục năm qua là nửa này nửa kia.
Hiện nay, 60% dịch vụ công của các Bộ/ngành và địa phương đã lên online và mục tiêu là 100% vào cuối năm nay.
“Địa phương nào muốn làm nhanh, trong 1-2 tháng đạt 100% dịch vụ công trực tuyến thì liên hệ với Cục Tin học hoá để được hỗ trợ”, Bộ trưởng nói.
Một khó khăn khác của các địa phương cần tháo gỡ là đào tạo qui trình làm việc. Mỗi lần có thay đổi về qui định mới lại phải đào tạo, huấn luyện hàng chục, hàng trăm ngàn người.
Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển các nền tảng này. Vấn đề còn lại là chính quyền thay đổi, điều chỉnh thể chế để chấp nhận các mô hình mới vận hành trên không gian mạng.
Một trong những yếu tố quyết định thành công và hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin là hãy biến nó thành một nền tảng làm việc của toàn bộ tổ chức. Quản trị thực thi sẽ rất khó thực hiện nếu như mọi người không làm việc trên một nền tảng số dùng chung.
Với những khó khăn trong đào tạo tri thức chuyên môn, Bộ trưởngcho rằng, nếu có một nền tảng đào tạo online, mọi người có thể tự học, tự thi lúc rảnh rỗi thì vấn đề sẽ được giải quyết. Các địa phương cần có một nền tảng đào tạo trực tuyến.
Vấn đề chuyển đổi số luôn cần phải hướng tới người dân. Việc xây dựng các nền tảng hỗ trợ người dân nên được coi là công việc của chính quyền. Trong chuyển đổi số chính quyền, nội dung quan trọng là chuyển đổi số đối tượng phục vụ.