Đây là chủ đề sẽ được đặt ra tại Diễn đàn Nông nghiệp Bền vững Việt Nam - EU với chủ đề “Nông nghiệp 4.0: Tiềm năng tiếp cận thị trường Châu Âu”, diễn ra vào ngày 19/9/2019. Sự kiện do Phòng Thương mại Châu Âu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức.
Sự kiện nhằm luận bàn về những thách thức mà các nhà xuất khẩu nông nghiệp Việt Nam phải đối mặt và các giải pháp kỹ thuật giúp cho các sản phẩm nông nghiệp được xuất khẩu có thể truy xuất nguồn gốc, được chứng nhận và đảm bảo an toàn từ Việt Nam sang châu Âu. Qua đó, kết nối các nhà hoạch định chính sách, người nông dân và các nhà xuất khẩu Việt Nam với các công ty hàng đầu châu Âu.
Số liệu năm 2018 của Tổng cuc Thống kê cho biết: lực lượng lao động trong các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm gần 38% tổng dân số lao động.
Còn theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu nông-lâm-ngư nghiệp của Việt Nam đã đạt 26,6 tỷ USD. Việt Nam hiện cũng là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU trong ASEAN. Tuy nhiên, các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều rào cản để đáp ứng các quy định quốc tế nghiêm ngặt, đặc biệt là về công nghệ mới để có thể đạt được tiềm năng tối đa về thị trường và giá cả.
Việt Nam được dự đoán sẽ là một trong những nước hưởng lợi lớn nhất tại các thị trường ở EU nhờ vào Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA) bởi thuế giảm sẽ làm tăng nhu cầu và đẩy mạnh xuất khẩu. Để đạt được điều này, điều quan trọng là phải nắm bắt các công nghệ tiên tiến để sản xuất các sản phẩm an toàn, được chứng nhận và có thể truy xuất nguồn gốc để đáp ứng các thị trường tiêu dùng đòi hỏi cao như thị trường EU.
Góp phần tài trợ và tham gia sự kiện này,
Đại diện ABB cho biết, hợp tác chặt chẽ với các nhà sản xuất thực phẩm trên toàn thế giới, ABB tập trung vào việc cung cấp các giải pháp năng lượng, tự động hóa và kỹ thuật số nhằm giải quyết các vấn đề quan trọng trong mọi khía cạnh của vận hành, cho phép các nhà sản xuất đạt tới tiềm năng sản xuất tối đa và sẵn sàng ứng phó với những thách thức trong hiện tại và tương lai. Danh mục sản phẩm và hệ thống của ABB phù hợp với từng tiêu chí ứng dụng riêng biệt từ khâu đầu vào cho tới khâu hoàn hiện trong nhà máy chế biến thực phẩm, đảm bảo chất lượng và độ tin cậy của thực phẩm. Công nghệ của ABB bao gồm từ kết nối điện năng cho tới khâu sắp xếp pallet ở cuối dây chuyền.
Tại sự kiện này, ABB sẽ giới thiệu một số giải pháp kỹ thuật số tiên tiến dành cho sản xuất thực phẩm. Trong đó, truyền động thông minh giúp tiết kiệm năng lượng, thúc đẩy hiệu quả và năng suất trong toàn bộ chuỗi giá trị và là một phần quan trọng không thể thiếu của một cơ sở sản xuất tự động thông minh. Cảm biến thông minh ABB Ability Smart Sensor tận dụng Internet Vạn vật Công nghiệp để giám sát các thông số chính của động cơ, máy bơm và vòng bi gắn trong thời gian thực. YuMi là robot hợp tác đầu tiên trên thế giới được chế tạo với mục đích ban đầu nhằm tập trung vào ngành công nghiệp điện tử, nay đã được mở rộng ứng dụng vào ngành công nghiệp ô tô, và bây giờ tiến vào ngành sản xuất thực phẩm với công việc cần sự tỉ mỉ, khéo léo như sắp xếp bánh vào hộp, cũng sẽ có mặt tại triển lãm.
Tiến sĩ Brian Hull nhận định: “Bức tranh toàn cảnh đang thay đổi. Nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm của Việt Nam nói riêng phải chịu áp lực liên tục để thích nghi và phát triển để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Điều này có nghĩa là phải đảm bảo được việc tăng sản lượng, nâng cao vệ sinh, chất lượng và sự đa dạng trong khi đảm bảo cam kết về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên".