IBM dự đoán tình trạng thiếu chip sẽ kéo dài 2 năm nữa

IBM dự đoán tình trạng thiếu chip sẽ kéo dài 2 năm nữa
Tạp chí Nhịp sống số - Chủ tịch IBM, ông Jim Whitehurst cho rằng sẽ mất vài năm để tình trạng thiếu chip hiện nay được cải thiện.

Lúc này trên thế giới, nhiều công ty công nghệ, xe… đang gặp khó khăn vì thiếu các linh kiện bán dẫn. Việc thiếu hụt này một phần đến từ tình hình đại dịch bùng nổ trên toàn cầu, khiến chuỗi cung ứng vật liệu gặp ảnh hưởng.

 

Trong khi nguồn cung không đáp ứng đủ thì nhu cầu của khách hàng ngày càng tăng. Người dân ở nhiều nơi gặp tình trạng dãn cách xã hội buộc phải chuyển nhiều hoạt động của họ sang môi trường trực tuyến. Mọi người mua linh kiện máy tính, tivi, điện thoại, máy chơi game nhiều hơn.

Ông Whitehurst chia sẻ với BBC World Business rằng: “Hiện nay đang có một độ trễ lớn giữa thời điểm công nghệ được phát triển, sau đó các hãng xây nhà máy và cuối cùng là sản xuất chip”.

Hiện nay IBM đang là nhà cung cấp bản quyền sản xuất chip của mình cho Intel, TSMC, Samsung. Hãng này đưa ra dự đoán phải 2 năm nữa, các dây truyền sản xuất chip trên thế giới mới có thể giải quyết được tình trạng khan hiếm chip hiện nay.

Chủ tịch IBM cũng cho biết: “Hiện nay chúng tôi đang xem xét việc kéo dài tuổi thọ của một số công nghệ cũ, ngoài ra cũng đang tăng tốc đầu tư xây dựng nhà máy để tăng công suất nhanh nhất có thể”.

Người đứng đầu Cisco, ông Chuck Robbins hồi tháng 4 cho rằng: “Tình trạng thiếu chip sẽ còn kéo dài ít nhất 6 tháng nữa”.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng coi việc thiếu chip sẽ là vấn đề dài hạn và từng thúc giục các lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu nước Mỹ, nên tận dụng cơ hội này để đưa Mỹ thành quốc gia dẫn đầu thế giới trong ngành chip.

Đặc biệt trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc vẫn đang diễn ra, đây được coi là “ưu tiên hàng đầu và cần thực hiện nay” của Nhà Trắng.

Theo Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn có trụ sở tại Mỹ, khoảng 75% năng lực sản xuất chip của thế giới đang ở khu vực Đông Á. 2 cái tên lớn nhất là TSMC của Đài Loan và Samsung của Hàn Quốc.

Nhưng không chỉ có Mỹ muốn trực tiếp sản xuất chip, lãnh đạo các nước EU cũng đang muốn nước họ chủ động được việc sản xuất. Tại trung Quốc, dù nhu cầu của thị trường nội địa nước này đang rất cao và các nhà sản xuất trong nước đã nỗ lực khá nhiều tuy nhiên các hãng tại quốc gia này vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng sản lượng chip toàn cầu.

Có thể bạn quan tâm