Cụ thể, JPMorgan ước tính tình hình thiếu hụt bộ vi xử lý và chip có thể làm tổn hại đến các lô hàng PC trong quý 4/2018 từ 5-7%. Nhà phân tích công nghệ khu vực châu Á - Thái Bình Dương Gokul Hariharan của nhà băng Mỹ nói: “Cuộc đối thoại của chúng tôi với các cửa hàng bán PC cho thấy sự thiếu hụt, vốn chỉ khởi đầu ở mức độ nhỏ trong quý 3 song dần dần xấu đi và có khả năng tác động tối đa trong quý 4/2018”.
Ông Hariharan cho biết thêm: “Chúng tôi dự báo điều này sẽ ảnh hưởng đến cả notebook lẫn máy tính để bàn, có khả năng tác động mạnh hơn đến PC thương mại và PC tiêu dùng cao cấp, các loại máy dùng chip AMD hoặc CPU đời cũ hơn của Intel vì các chip này khó thay thế hơn”.
Chuyên gia thuộc JPMorgan cho rằng Intel có thể đã chuyển một phần khả năng sản xuất chip 14 nanomet của họ sang chip 10 nanomet. Intel thông báo sự chậm trễ trong việc phát triển công nghệ sản xuất chip thế hệ mới đến tận gần cuối năm 2019. Thực tế này có thể làm giảm số lượng chip tổng thể.
Công nghệ làm chip có kích thước theo nanomet nhỏ hơn thời gian qua giúp các doanh nghiệp tạo ra chip nhanh hơn, tiết kiệm năng lượng hơn. Các nhà phân tích cho biết các vấn đề về sản xuất của Inel có thể là tin tốt với đối thủ cạnh tranh chính trong mảng vi xử lý PC. AMD kỳ vọng tung chip xử lý 7 nanomet vào năm sau.
“Chúng tôi nhận thấy việc quan tâm sử dụng sản phẩm của AMD trong chu kỳ tiếp theo từ các doanh nghiệp PC vì lo ngại về nguồn cung CPU Intel, ông Hariharan cho hay. Hồi tháng 7, hãng nghiên cứu công nghệ IDC báo cáo lô hàng PC giao đi trên toàn cầu tăng 2,7% so với năm ngoái, đánh dấu mức tăng trưởng hằng quý cao nhất trong hơn sáu năm qua.
Cổ phiếu Intel giảm 1,3% từ đầu năm đến ngày 13/9, trong khi cổ phiếu AMD tăng gần 200% cùng kỳ.