Intel và Đại học Pennsylvania được cho là đang hợp tác để phát triển các mô hình trí tuệ nhân tạo có khả năng phát hiện các khối u não.
Chúng ta đã chứng kiến AI có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với các bác sĩ trong việc phát hiện ra ung thư vú, ung thư phổi và ung thư da. Mới đây, các nhà nghiên cứu của Intel và Đại học Pennsylvania đang muốn mở rộng vai trò của AI trong việc phát hiện sớm các khối u não.
Dự án này sẽ sử dụng phần cứng và phần mềm của AI trong khi Hệ thống Y tế (Penn Medicine) thuộc đại học Pennsylvania sẽ lãnh đạo 29 tổ chức nghiên cứu và chăm sóc sức khỏe quốc tế khác để tạo ra một mô hình AI với cơ sở dữ liệu lớn nhất từ trước đến nay giúp phát hiện các khối u não. Và một điều nữa là mô hình AI này sẽ không chia sẻ những dữ liệu nhạy cảm của bệnh nhân.
Dự án dựa trên một công nghệ được gọi là Học Liên kết (Federated Learning), chúng sẽ đào tạo một thuật toán dựa trên các máy chủ phân tán khắp mọi nơi, do đó, các bệnh viện có thể làm việc cùng nhau mà không thực sự phải chia sẻ dữ liệu bệnh nhân. Điều này có thể cho phép các tổ chức từ Mỹ, Canada, Mỹ, Đức, Hà Lan, Thụy Sỹ và Ấn Độ tạo ra một cơ sở dữ liệu khổng lồ mà không có một tổ chức riêng lẻ nào có thể tự mình làm được.
“AI đang chứng tỏ nó là sự lựa chọn tuyệt vời giúp phát hiện sớm các khối u não, nhưng nó cũng đòi hỏi cần có nhiều dữ liệu hơn bất kỳ trung tâm y tế nào”, kỹ sư chính của Intel Labs, ông Jason Martin cho biết trong một thông cáo với báo chí.
Hiện vẫn chưa rõ dự án này sẽ mất bao lâu mới có thể hoàn thành nhưng nó đang được tài trợ thông qua một khoản tài trợ trong vòng ba năm trị giá 1,2 triệu USD từ Viện Sức khỏe quốc gia Hoa Kỳ (NIH). Theo Hiệp hội Ung thư não Hoa Kỳ (ABTA), gần 80.000 người được chẩn đoán mắc bệnh u não trong năm nay, và 4.600 bệnh nhân trong số đó là trẻ em.