Theo ArsTechnica, tuyên bố này được Intel đưa ra tại UEFI Plugfest - một sự kiện nghiên cứu tính tương kết phần cứng được tổ chức bởi Diễn đàn UEFI hồi đầu tháng này.
BIOS là một đoạn mã nhỏ được nhúng vào bo mạch chủ máy tính để quản lý quá trình khởi động, kiểm tra dung lượng RAM hiện có, tình trạng sức khoẻ của phần cứng, kiểm tra xem bạn đã cắm bàn phím hay chưa..., và sau đó sẽ chạy tiến trình tải hệ điều hành trên máy. Khi hệ điều hành đã khởi động xong, BIOS sẽ cung cấp một số dịch vụ hệ thống cơ bản như tiếp nhận tín hiệu nhập từ bàn phím, đọc và ghi các dữ liệu lên màn hình và lên đĩa cứng. BIOS đã là một phần tối quan trọng trên chiếc PC đầu tiên của IBM từ năm 1981. Nó liên kết chặt chẽ với các vi xử lý Intel x86 và hoạt động dựa trên chế độ 16-bit của vi xử lý.
Tuy nhiên càng về sau, các dịch vụ mà BIOS cung cấp càng ít quan trọng hơn, và việc sử dụng chế độ 16-bit đã khiến các chức năng của BIOS rất chậm chạp. Từ những năm 1990, các hệ điều hành PC bắt đầu sử dụng chế độ 32-bit, và chúng cũng sử dụng các driver 32-bit của riêng mình để truy xuất phần cứng thay vì sử dụng các dịch vụ hệ thống của BIOS. Chính vì vậy, BIOS chỉ còn phụ trách quá trình khởi động hệ thống ban đầu mà thôi.
Khi Intel phát triển vi xử lý Itanium IA64 vào những năm 2000, họ đã phát triển EFI (giao diện firmware mở rộng) để sử dụng thay cho x86 BIOS vốn không phù hợp với IA64. EFI sau đó nhanh chóng hỗ trợ cả các hệ thống 32-bit và 64-bit và đổi tên thành UEFI (giao diện firmware mở rộng thống nhất). Khi Intel giới thiệu vi xử lý Sandy Bridge vào năm 2011 thì phần cứng PC cũng bắt đầu chuyển sang sử dụng UEFI, và đến ngày nay, UEFI đã trở nên cực kỳ quan trọng, mọi hệ thống x86 đều được tích hợp UEFI làm mặc định thay cho BIOS.
Như đã nói ở đầu bài, từ năm 2020, mọi hệ thống của Intel sẽ chuyển hoàn toàn sang UEFI nhằm hỗ trợ secure boot, các tính năng UEFI cũng như giúp quá trình duy trì, bảo dưỡng dễ dàng hơn. Các hệ điều hành 32-bit và nhiều linh kiện phần cứng cũ sẽ không hoạt động được với UEFI. Rất có thể thế hệ chip Ice Lake trở về sau của Intel sẽ chỉ có UEFI mà thôi.
Đây sẽ là một cơ hội khá tốt để các đối tác OEM, đặc biệt là các nhà sản xuất bo mạch chủ tranh thủ thiết kế, nâng cấp giao diện firmware UEFI của họ. Đồng thời, Microsoft cũng sẽ có lý do xác đáng để ngừng hỗ trợ hoàn toàn hệ điều hành Windows 32-bit vốn đã quá cũ kỹ.