Theo BBC, luật này sẽ có hiệu lực vào tháng 7/2020. Trước khi luật có hiệu lực, một danh sách các thiết bị bị ảnh hưởng và phần mềm cụ thể cần được cài đặt sẽ được chính phủ Nga công bố.
Điều này đồng nghĩa với việc một số smartphone nhất định, bao gồm cả iPhone của Apple, có thể bị cấm bán tại quốc gia này vào mùa hè tới.
Oleg Nikolayev, một trong những đồng tác giả của luật này giải thích rằng, nhiều người Nga không biết có những lựa chọn thay thế trong nước đối với các ứng dụng được tải sẵn trên các mẫu điện thoại nhập khẩu vào nước này.
"Khi chúng tôi mua các thiết bị điện tử, chúng đã được cài sẵn các ứng dụng riêng lẻ. Điều này khiến người dùng Nga nghĩ rằng họ không có lựa chọn thay thế ứng dụng nào trong nước. Vì thế, chúng tôi cũng sẽ cung cấp các ứng dụng tiếng Nga cho người dùng lựa chọn", ông Nikolayev nói.
Giống như một phần của thỏa thuận mà Google đạt được với EU (bao gồm khoản tiền phạt 5 tỷ đô la), người dùng Android châu Âu khi mở kho ứng dụng Google Play sẽ được cung cấp các công cụ tìm kiếm và trình duyệt thay thế.
Năm ngoái, Google đã bị EU phát hiện hành vi buộc các nhà sản xuất điện thoại Android phải cài đặt sẵn Google Search và Chrome nên một số người dùng ở EU có thể không nhận ra các tùy chọn ứng dụng có sẵn khác.
Tuy vậy, luật mới của Nga lại không được chính người dùng tại quốc gia này hoan nghênh. Một số người lo ngại rằng phần mềm này sẽ được sử dụng để theo dõi người tiêu dùng.
Hiệp hội đại diện cho các công ty thương mại và nhà sản xuất thiết bị điện tử tiêu dùng của Nga (RATEK) cho rằng, không phải thiết bị nào cũng tương thích với các phần mềm và ứng dụng do Nga phát triển. Do đó, một số nhà sản xuất có thể buộc phải rời khỏi thị trường Nga trong tương lai.
Hiện tại, hệ điều hành iOS dành cho thiết bị di động của Apple là một hệ thống khép kín.Vì thế, rất có thể iPhone sẽ không hỗ trợ các phần mềm không xác định được cài sẵn của Nga.
Theo dữ liệu phân tích thị trường từ Statcount, tính đến tháng 10/2019, Samsung có thị phần smartphone lớn nhất tại Nga với 22,04%. Huawei đứng thứ hai với 15,99% thị phần, tiếp theo là Apple đang đứng vị trí thứ ba với 15,83% thị phần.