Theo AppleInsider, báo cáo về doanh số smartphone toàn cầu đến từ Counterpoint Research cho thấy, tổng thể thị trường smartphone tân trang trong năm 2022 đã tăng 5% so với cùng kỳ năm trước đó. Con số này có thể tăng hơn nữa nếu như không bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm 17% về doanh số smartphone tân trang tại Trung Quốc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trong khi đó, thị trường smartphone tân trang đã tăng 19% tại Ấn Độ và 18% tại Mỹ Latin.
Trên cơ sở thương hiệu cụ thể, Apple đã chứng kiến sự thay đổi lớn về doanh số smartphone tân trang với mức tăng trưởng 16% so với cùng kỳ năm trước, khiến hãng trở thành thương hiệu phát triển nhanh nhất trong lĩnh vực tân trang. Sự tăng trưởng có nghĩa Apple chiếm 49% thị phần smartphone tân trang. Bản thân Apple được cho là "người đóng góp chính" vào việc tăng thị phần hàng tân trang.
Ngược lại, thị phần Samsung giảm từ 28% vào năm 2021 xuống còn 26% vào năm 2022. Một sự thay đổi phần trăm nhỏ người tiêu dùng Android chuyển sang iOS vào năm 2022 được cho là đã ảnh hưởng đến doanh số bán hàng tân trang của Samsung. Counterpoint Research nhận định "xu hướng chuyển đổi có thể sẽ tiếp tục vào năm 2023".
Nhu cầu về smartphone tân trang bắt nguồn từ những người mua smartphone mới ở các thị trường phát triển và người dùng điện thoại phổ thông chuyển sang smartphone ở các thị trường mới nổi. Chương trình thu cũ đổi mới tại nhà bán hàng với khách hàng cũng là những yếu tố quan trọng thúc đẩy thị trường này. Nguồn cung điện thoại đã qua sử dụng từ các nhà bán lẻ smartphone được cho nguồn phát triển mạnh nhất.
Cũng theo báo cáo, người tiêu dùng thích mua các mẫu cao cấp và hàng đầu đã được tân trang lại, điều này làm tăng giá bán trung bình trên thị trường smartphone tân trang. Đặc biệt với Apple, công ty cũng xem iPhone tân trang là cách để thu hút nhiều khách hàng hơn đến với các dịch vụ của hãng như Apple Music hay Apple TV+, từ đó giúp công ty tăng thêm doanh thu mà không nhất thiết phải yêu cầu người dùng mua iPhone mới.