Hoạt động tấn công mạng (hack) của Triều Tiên đang ngày càng gia tăng và trở nên táo bạo hơn, đồng thời nhắm nhiều hơn vào các tổ chức tài chính trên toàn cầu, hãng tin CNN dẫn một báo cáo mới từ công ty an ninh mạng Kaspersky của Nga cho biết. Theo báo cáo này, hacker Triều Tiên bị cho là liên quan đến các vụ tấn công nhằm vào các ngân hàng ở 18 quốc gia.
Trong đó, các nhà nghiên cứu an ninh mạng trước đây đã phát hiện 4 vụ tấn công mạng nhằm vào các ngân hàng ở Bangladesh, Ecuador, Philippines, và Việt Nam. Gần đây, theo Kaspersky, các vụ ấn công tương tự tiếp tục nhằm vào các tổ chức tài chính ở Costa Rica, Ethiopia, Gabon, Ấn Độ, Indonesia, Iraq, Kenya, Malaysia, Nigeria, Ba Lan, Đài Loan, Thái Lan, và Uruguay.
Nhóm hacker thực hiện các vụ tấn công này được biết đến với tên gọi Lazarus, và thủ phạm có thể bị truy nguồn gốc tới Triều Tiên - theo các nhà nghiên cứu của Kaspersky.
Báo cáo của công ty Kaspersky cũng nói, để che giấu vị trí, các hacker thường tiến hành việc tấn công từ các máy chủ ở xa vị trí của chúng. Trong đó, các hacker Lazarus thận trọng truyền tín hiệu qua Pháp, Hàn Quốc và Đài Loan để thiết lập máy chủ tấn công. Tuy nhiên, các hacker có vẻ như đã phạm phải một sai lầm bị Kaspersky phát hiện: một kết nối chóng vánh từ Triều Tiên.
“Triều Tiên là một phần rất quan trọng trong phương trình này”, ông Vitaly Kamluk, trưởng bộ phận nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương của Kaspersky, phát biểu.
Bản báo cáo trên được Kaspersky công bố ngày 3/4 tại Hội nghị Phân tích an ninh mạng Kaspersky diễn ra tại đảo St. Maarten thuộc vùng Caribbean.
Mục tiêu các vụ tấn công mạng từ Triều Tiên được cho là có sự dịch chuyển trong mấy năm gần đây.
Vào năm 2013, khi một số ngân hàng và kênh truyền thông của Hàn Quốc bị tấn công, Chính phủ nước này đã cáo buộc Triều Tiên là thủ phạm. Năm 2014, Mỹ tố Triều Tiên tấn công hãng phim Sony Pictures. Các bằng chứng thu thập được trong hai vụ đều hướng đến Lazarus.
Cuối năm 2015, hacker Lazarus chuyển sự chú ý sang hệ thống tài chính toàn cầu - theo các nhà nghiên cứu tại BAE Systems, FireEye, và Symantec. Trong đó, các nhà nghiên cứu nói rằng nạn nhân đầu tiên được biết đến là một ngân hàng thương mại ở Việt Nam. Các cuộc tấn công mới nhất, được Kaspersky phát hiện vào tháng 3 năm nay, nhằm vào các ngân hàng ở hai quốc gia châu Phi là Gabon và Nigeria.
Phần lớn các vụ tấn công này không thành công trong việc đánh cắp tiền, nhưng một số vụ đã làm được điều đó, theo Symantec. Các nhà nghiên cứu cũng nói hacker Triều Tiên đang có ý định tấn công vào các ngân hàng lớn của phương Tây bằng cách sử dụng những phương thức tấn công ngày càng tinh vi.
Một ví dụ gần đây là hacker đặt “bẫy” trên website của một cơ quan giám sát tài chính Ba Lan. Theo BAE Systems, hacker đã cài mã độc vào trang web đó và chỉ gây lây nhiễm mã độc đối với người truy cập trang web từ một số địa chỉ Internet nhất định, tức nhân viên của các ngân hàng.
Các nhà nghiên cứu tại nhiều công ty an ninh mạng cũng đặt giả thuyết hacker Triều Tiên đang cố gắng xây dựng một mạng lưới các ngân hàng bị nhiễm mã độc để dịch chuyển tiền đánh cắp được.
Chẳng hạn, theo các nhà điều tra, số tiền 81 triệu USD đã bị đánh cắp được từ một tài khoản của Ngân hàng Trung ương Bangladesh tại chi nhánh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tại New York vào năm ngoái và sau đó bị chuyển tới Sri Lanka và một sòng bạc ở Philippines.
Theo FireEye, hacker Triều Tiên đã tìm cách đưa số tiền đó qua một trong những ngân hàng bị nhiễm mã độc ở Đông Nam Á, nhưng đội phản ứng nhanh của FireEye đã ngăn chặn được hành vi này.
Một nguồn tin nói với CNN rằng các công tố viên Mỹ ở Los Angeles hiện đang tiến hành điều tra vụ tấn công mạng nhằm vào tài khoản của Ngân hàng Trung ương Bangladesh.