Thống kê mới đây của Kaspersky Lab tại Việt Nam đã chỉ ra rằng, trong 9 tháng đầu năm 2017, đã có hơn 120.000 người dùng sản phẩm gặp phải phần mềm gián điệp thương mại (spyware), và con số này gần gấp đôi cùng kỳ trong năm 2016 với trên 70.000 người.
Spyware là một loại phần mềm bí mật chuyên thu thập thông tin người dùng, như tin nhắn văn bản, nhật ký cuộc gọi và ghi âm, GPS theo dõi, dữ liệu trình duyệt, lưu trữ đa phương tiện và sổ địa chỉ. Đặc biệt, spyware thậm chí có thể truy cập tài khoản mạng xã hội của nạn nhân và các ứng dụng tin nhắn… và gửi dữ liệu tới hacker. Khi đã bị nhiễm mã độc này, nó có thể nắm quyền kiểm soát thiết bị của người dùng mà chính chủ nhân của thiết bị không hề biết.
Để hạn chế thiết bị bị nhiễm spyware, các chuyên gia của Kaspersky Lab cũng khuyến nghị người dùng không nên root (giành quyền kiểm soát) thiết bị Android, bởi điều này “sẽ mở ra khả năng gần như không hạn chế đối với các ứng dụng độc hại.”
Cạnh đó, người dùng cũng nên vô hiệu hóa khả năng cài đặt các ứng dụng từ các nguồn khác ngoài các cửa hàng ứng dụng chính thức; giữ phiên bản hệ điều hành của thiết bị được cập nhật để giảm lỗ hổng trong phần mềm và giảm nguy cơ tấn công; cài đặt một giải pháp bảo mật; bảo vệ điện thoại bằng mật khẩu, mã pin,…