Kết nối vạn vật trong tương lai gần

Kết nối vạn vật trong tương lai gần
Tạp chí Nhịp sống số - Internet of things (IoT - hay còn gọi là mạng lưới kết nối vạn vật) là tập hợp thiết bị được kết nối với nhau thông qua internet, giúp người dùng dễ dàng kiểm soát được mọi thứ bằng thiết bị thông minh như máy tính, laptop, smartphone.

Trong khi đó, nhà cung cấp giải pháp và thiết bị mạng Cisco dự báo, vào năm 2020, thế giới sẽ có tới 50 tỷ đồ vật được kết nối với hệ thống mạng internet. Tại một số quốc gia đã có kết nối giữa mạng với nhà ở, thiết bị di động, tivi, xe hơi... Còn ở nước ta, những sản phẩm IoT cũng dần trở nên phổ biến do các doanh nghiệp Việt chuyển hướng đầu tư mạnh cho IoT.

Doanh nghiệp Việt cùng “vào” IoT

Thời gian gần đây, các doanh nghiệp viễn thông, tập đoàn công nghệ lớn như Viettel, VNPT, FPT đã đầu tư khá nhiều vào việc nghiên cứu sản xuất, cung cấp thiết bị và giải pháp IoT. Tập đoàn FPT hợp tác với Công ty CP Bóng đèn Điện Quang phát triển thiết bị điện và chiếu sáng thông minh (dựa trên công nghệ IoT) vào cuối tháng 6-2018. FPT sẽ phát triển toàn bộ phần mềm điều khiển ứng dụng trên thiết bị di động, phối hợp cùng Công ty CP Bóng đèn Điện Quang viết phần mềm cho sản phẩm hợp tác, xây dựng thư viện và giao thức lập trình cho các đối tác phát triển giải pháp mới qua nền tảng điện toán đám mây…

Mới đây, VNPT Technology (thuộc Tập đoàn VNPT) đã phát triển thành công hệ thống quan trắc môi trường (eGreen Solution) dựa trên nền tảng công nghệ IoT. eGreen Solution được xem là giải pháp hỗ trợ cho công tác kiểm tra, giám sát và quản lý các thông số tiêu chuẩn của môi trường. Hiện nay, VNPT Technology đã sẵn sàng cung cấp các hệ thống quan trắc môi trường như hệ thống quan trắc chất lượng nước, quan trắc chất lượng không khí để giám sát các thông số theo thời gian thực (realtime) liên tục 24/24 giờ cho các địa phương trong nước có nhu cầu sử dụng. Còn Tập đoàn VNPT đã tự nghiên cứu và xây dựng một nền tảng IoT của riêng mình, phát triển hệ sinh thái IoT và kết nối với các nhà phát triển ứng dụng. Bên cạnh đó, VNPT còn phát triển nhiều ứng dụng IoT dựa trên nền tảng mở Smart Connected Platform (SCP); cung cấp nhiều ứng dụng công nghệ như giao thông thông minh, du lịch thông minh, nông nghiệp thông minh… Các ứng dụng IoT này đang được nhiều tỉnh thành trên cả nước triển khai sử dụng, hình thành mạng lưới kết nối IoT mở rộng giữa các địa phương với nhau.

Tập đoàn Viettel cũng đang thử nghiệm một số ứng dụng dựa trên hạ tầng kết nối và nền tảng IoT như ứng dụng đỗ xe thông minh (smart parking), giám sát chất lượng không khí (air monitoring), giám sát vị trí (location tracking), thiết bị đo lường (metering devices)… từ đó tạo cơ sở để chính thức phát triển hệ sinh thái các dịch vụ IoT trong thời gian tới. Một số ứng dụng IoT do Viettel phát triển đã được triển khai ở một số tỉnh thành có ứng dụng My Parking đang được triển khai tại TPHCM. Còn VinSmart (thuộc Tập đoàn Vingroup) không giấu tham vọng khi lần lượt đưa ra thị trường các sản phẩm điện tử thông minh, có khả năng kết nối internet mọi lúc mọi nơi thông qua điện thoại thông minh (do VinSmart sản xuất). Mục tiêu của VinSmart là nghiên cứu, sản xuất và đưa ra thị trường chuỗi sản phẩm thông minh, kết nối vạn vật… Trong khi đó, Bkav tạo nên SmartHome, với việc kết nối tất cả thiết bị thông minh trong ngôi nhà với internet. Người dùng dễ dàng điều chỉnh thông qua điện thoại, máy tính… thay vì trực tiếp bật/tắt, đóng/mở.

Lạc quan đón nhận

Nhận định về thị trường IoT toàn cầu, Công ty Ericsson vừa đưa ra dự báo rằng, thị trường thiết bị IoT sẽ tăng đến 3,5 tỷ sản phẩm vào năm 2023, so với số lượng 700 triệu thiết bị IoT hiện nay. Ericsson cũng dự đoán việc thương mại hóa mạng 5G có thể sẽ sớm bắt đầu tại các thị trường lớn như Bắc Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc. Công ty này cũng tính toán đến năm 2023, có 20% lưu lượng di động toàn cầu sẽ thông qua mạng 5G. Mạng di động thế hệ mới này có tốc độ nhanh gấp 10 lần so với 4G và có vai trò làm nền tảng đáng tin cậy cho các công nghệ mới…

Đầu năm 2019, Bộ TT-TT đã cho phép Tập đoàn Vietel thử nghiệm 5G tại TPHCM và Hà Nội, song song đó VNPT, MobiFone cũng mong muốn được thử nghiệm 5G… đây có thể xem là những bước chuẩn bị tích cực về hạ tầng cho IoT trong tương lai gần. Các chuyên gia công nghệ cũng nhận định lạc quan không kém khi cho rằng, IoT đang diễn ra một cách mạnh mẽ. 50% doanh nghiệp đã bắt đầu triển khai những dự án về IoT, giúp mang lại cơ hội doanh thu cho rất nhiều ngành và những giải pháp đó bắt đầu thương mại hóa với tốc độ rất nhanh. Qua các sản phẩm, giải pháp mà doanh nghiệp Việt đang triển khai như trên, có thể hình dung IoT của Việt Nam đang từng bước đến gần với đời sống xã hội. Hay nói theo ông Bùi Quang Ngọc, Tổng giám đốc FPT, việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới, trong đó có IoT vào cuộc sống là một trong những định hướng chiến lược công nghệ quan trọng.

Ở mức độ khác, các ứng dụng liên quan đến với IoT đã được nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trong nước dưới hình thức tự động hóa như hệ thống điều khiển đèn giao thông, hệ thống tưới tiêu tự động; các công nghệ nền tảng của IoT như mạng thế hệ mới, IPv6, truyền thông không dây, công nghệ nano và cảm biến, lưu trữ và điện toán đám mây, xử lý dữ liệu lớn, bảo mật thông tin và lưu trữ năng lượng… cũng đã có quá trình được đầu tư nghiên cứu, làm chủ, phát triển và ứng dụng, tiếp tục cho thấy sự chuyển động rất lớn về IoT tại nước ta.

Có thể bạn quan tâm

Tập đoàn hàng đầu về quản lý năng lượng, Schneider Electric đã phát triển nhiều dòng APC UPS tân tiến trong 4 thập kỷ, giúp đảm bảo nguồn điện ổn định và tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng, hỗ trợ trung tâm dữ liệu giảm thiểu dấu chân carbron, hướng đến phát triển bền vững.