Kinh nghiệm quốc tế và thực tế cho thấy, để triển khai Chính phủ điện tử nhanh, hiệu quả, cần đào tạo các chuyên gia - những "hạt nhân" về Chính phủ điện tử - trong mỗi Bộ, ngành, địa phương, từ đó lan tỏa tri thức ra các cơ quan, đơn vị.
Tuy nhiên, các khóa đào tạo về Chính phủ điện tử trước đây mới chỉ được tổ chức riêng lẻ, không thường xuyên, học viên tham dự mỗi khóa học là khác nhau. Vì vậy, đến nay vẫn chưa có một lực lượng chuyên gia nòng cốt, có đủ năng lực triển khai Chính phủ điện tử ở các Bộ, ngành, địa phương.
Chính vì vậy, ngày 28/12/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khởi động "Chương trình đào tạo 100 chuyên gia Chính phủ điện tử" nhằm đào tạo các cán bộ CNTT trở thành lực lượng nòng cốt, là các "hạt nhân" triển khai Chính phủ điện tử tại các Bộ, ngành, địa phương.
Do tình hình dịch COVID-19 phức tạp, trong thời gian qua, Cục Tin học hóa - Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức các khóa học trực tuyến đào tạo chuyên gia về Chính phủ điện tử cho học viên thông qua hệ thống đào tạo từ xa.
Với việc Việt Nam bước sang ngày thứ 56 liên tiếp không có ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, hôm nay (11/6), Cục Tin học hóa đã triển khai lớp đào tạo trực tiếp cho 100 chuyên gia về Chính phủ điện tử. Khóa đào tạo kéo dài trong 2 ngày, với sự tham gia của 100 học viên là những cán bộ chuyên trách về CNTT của các Bộ, ngành, Sở Thông tin và Truyền thông.
Cũng trong chương trình, các học viên được tham quan khảo sát thực tế tại Trung tâm Dữ liệu điện toán đám mây của công ty CMC Telecom.
Khóa học giúp trang bị cho các học viên kiến thức chuyên sâu về CNTT cũng như những bài học kinh nghiệm về triển khai Chính phủ điện tử trên thế giới và tại Việt Nam. Các học viên được tham gia chương trình đào tạo thống nhất, thường xuyên, liên tục để trở thành những chuyên gia về Chính phủ điện tử ở từng Bộ, ngành, địa phương, đủ sức giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn triển khai Chính phủ điện tử ở Bộ, ngành, địa phương mình.
Các học viên tham gia khoa học sẽ nỗ lực góp phần hiện thực hóa mục tiêu của Chính phủ đề ra, đó là phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới nền kinh tế số và xã hội số nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, đưa người Việt Nam vào nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN trong xếp hạng Chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên Hợp Quốc đến năm 2025.