Chuyển đổi kỹ thuật số là làn sóng đổi mới của doanh nghiệp (DN) đang được thúc đẩy bởi công nghệ đám mây mới như IoT, thực tế tăng cường (AR), trí tuệ nhân tạo (AI) và tài nguyên dữ liệu. Sự dịch chuyển số trong DN mở ra cơ hội thị trường trên toàn cầu ước đến 4.500 tỷ USD. |
Một nghiên cứu do Harvard Business Review thực hiện cho thấy, có đến 86% DN xem việc chuyển đổi kỹ thuật số là một cơ hội. Để chuyển đổi thành công, họ tìm cách trao quyền cho nhân viên, kết nối tốt hơn với khách hàng, tối ưu hóa vận hành và chuyển đổi sản phẩm. Tuy nhiên, việc chuyển đổi số thành công lại phụ thuộc chủ yếu vào nhân sự và văn hóa làm việc.
Theo ông Phạm Trần Anh - Phó tổng giám đốc khối khách hàng DN và đối tác chiến lược của Microsoft Việt Nam, những kỳ vọng, kiến thức và kỹ năng cũng như công cụ họ sử dụng để làm việc là chỉ số xác định mức độ chuyển đổi tổ chức cần đạt được. Thách thức hiện nay là làm sao để triển khai những phương pháp mới giúp thúc đẩy văn hóa làm việc hiện đại nhằm gia tăng hiệu quả cho người lao động.
Nghiên cứu Asia Workplace 2020 do Microsoft tiến hành, khảo sát gần 4.200 nhân sự tại 14 thị trường châu Á, bao gồm 311 nhân sự Việt Nam, cho thấy 54% lao động Việt Nam muốn tổ chức của họ đầu tư phát triển văn hóa và 60% muốn lãnh đạo dỡ bỏ khác biệt văn hóa số. 60% cho rằng có thể làm nhiều hơn nhằm thu hẹp khoảng cách kỹ năng số giữa các lao động.
Những yếu tố chủ chốt đang ảnh hưởng đến văn hóa làm việc ở Việt Nam như sự gia tăng lực lượng lao động hay dịch chuyển và phơi nhiễm dẫn đến các hiểm họa an ninh mới do các cá nhân đang làm việc trên nhiều thiết bị tại nhiều địa điểm. Chỉ có 10% làm việc toàn thời gian trong văn phòng, 88% đang làm việc trên thiết bị di động cá nhân đã tạo ra những thách thức an ninh mới cho các tổ chức và DN.
Theo ông Phạm Trần Anh, khi triển khai các công nghệ mới, các tổ chức cần củng cố kỹ năng cho lực lượng lao động để phát huy tối đa năng lực sáng tạo, làm việc cộng tác và chiến lược dài hạn.
Theo khảo sát Asia Pacific cũng do Microsoft thực hiện với 1.200 lãnh đạo công nghệ thông tin thuộc 12 thị trường, bao gồm Việt Nam, 80% cho biết họ nhận thức cần chuyển đổi số để thành công, nhưng thách thức về nhân sự bởi con người vẫn phải là trọng tâm.
Hiện nay, các nhân sự tuyến đầu là những người đại diện kết nối công ty với thế giới, họ thu hút khách hàng, đại diện cho thương hiệu, theo dõi sản phẩm và dịch vụ đã triển khai. Để khai phóng tiềm năng của lao động, phải xử lý và phát huy năng lực, đặc biệt là các lao động tuyến đầu, thông qua những giá trị cốt lõi của văn hóa làm việc mới.
Những giá trị cốt lõi của văn hóa làm việc mới Khai mở sự sáng tạo: Việc cộng tác thúc đẩy đổi mới nhờ chia sẻ ý tưởng và nhân viên có thể làm việc linh hoạt khi kết nối liền mạch trên các thiết bị. Nghiên cứu cho thấy đa số nhân sự cảm thấy họ bị hạn chế khi làm việc, với 63% cho rằng họ phải ở văn phòng vì công cụ phục vụ công việc chỉ có tại công ty. Tăng cường hợp tác: Nhờ trang bị cho mọi nhân viên bộ công cụ cộng tác, các tổ chức cho phép nhân viên lựa chọn người cùng làm việc và hợp tác. 50% nhấn mạnh việc truy cập công nghệ cộng tác để đáp ứng kịp thời các yêu cầu nội bộ và bên ngoài là rất quan trọng. Gia tăng bảo mật: 81% phản hồi đang làm việc trên máy tính công ty, nhưng 88% cũng làm việc trên điện thoại cá nhân, điều này phản ánh những rủi ro tiềm ẩn. Có đến 85% số người được hỏi thừa nhận kiểm tra email cá nhân trên thiết bị công ty. Do vậy, giới lãnh đạo cần tăng cường an ninh dữ liệu cho tổ chức, đồng thời xử lý các nhu cầu làm việc của lao động mà vẫn không tạo ra rào cản năng suất. Đơn giản hóa: Môi trường DN số đòi hỏi phải quản lý công nghệ thông tin một cách hợp lý, khai thông dịch vụ để các dữ liệu khác nhau có thể được kết hợp và phân tích theo những phương thức mới và giảm thiểu phức tạp. Có đến 63% lãnh đạo công nghệ thông tin trong khu vực muốn đơn giản hóa việc quản lý danh mục bảo mật hiện có. |