Hàng loạt nước ở châu Âu cũng như châu Á đã bày tỏ lo ngại ảnh hưởng của trò chơi Pokémon GO đến an ninh quốc gia vì có thể bị thu thập dữ liệu, hình ảnh ở khắp nơi trong các tòa nhà, địa điểm, vị trí xung quanh người chơi để gửi về máy chủ nhà phát hành.
Ngoài ra còn có những nguy cơ tiềm ẩn như bị lộ lọt thông tin, đánh cắp dữ liệu cá nhân của người chơi trên điện thoại (thông tin trong email, địa chỉ liên lạc, tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng)... Đó còn là nguy cơ về tai nạn giao thông khi người vừa tham gia giao thông vừa chơi Pokémon GO và tình trạng hỗn loạn giao thông, mất trật tự những nơi công cộng đã diễn ra nhiều thành phố trên thế giới.
Hiện tại rất nhiều cơ quan ở Việt Nam đã ra thông báo, cấm chơi Pokémon GO tại công sở. Lực lượng cảnh sát giao thông các đô thị còn phải lên cả phương án để phân luồng giao thông, giải tỏa ách tắc các tuyến đường do người chơi tụ tập quá đông, dừng xe vô tội vạ ở các điểm công cộng khi tham gia trò chơi này...
Mới đây, Bộ TT-TT đã chính thức có khuyến nghị người dân không chơi khi đang tham gia giao thông, không chơi ở các khu vực nguy hiểm như đường sắt, đường cao tốc, sân bay, sông, hồ, đồi, núi…; không chơi gần hoặc trong khu vực các cơ quan của Đảng và Nhà nước, các khu vực quân sự, an ninh quốc phòng và các khu vực cấm.
Bộ TT-TT khẳng định, Pokémon GO là trò chơi chưa được các cơ quan chức năng cấp phép phát hành tại Việt Nam, vì vậy khi có tranh chấp phát sinh, ảnh hưởng đến quyền lợi của người chơi thì sẽ không được bảo vệ theo quy định của pháp luật Việt Nam về quản lý trò chơi điện tử trên mạng. Bộ TT-TT cũng sẽ có văn bản yêu cầu nhà sản xuất và nhà phát hành trò chơi này tuân thủ pháp luật Việt Nam, không gây tác hại với xã hội.
Trong khi các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như xã hội đang lo lắng về hệ lụy của trò chơi Pokémon GO ở Việt Nam, thì thật khó hiểu khi mới đây nhà mạng Viettel tung ra gói cước hỗ trợ trò chơi này. Theo đó, các thuê bao mạng di động Viettel chỉ mất 10.000 đồng/tháng sẽ được dùng không giới hạn lưu lượng Data ở tốc độ cao để chơi Pokémon GO. Vẫn biết, các nhà mạng di động không có quyền cấm hay không cấm thuê bao sử dụng các dịch vụ, trò chơi tương tự Pokémon GO. Nhưng trong khi một dịch vụ, trò chơi đang có vấn đề, tiềm ẩn những nguy cơ xã hội như Pokémon GO, thì nên chăng các nhà mạng di động cũng không nên có hình thức hỗ trợ gói cước, giúp trò chơi phát triển như Viettel đang làm.
Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới trên mọi phương diện. Facebook, Google, hay những trò chơi như Pokémon GO được cung cấp xuyên biên giới và Việt Nam là một phần của thế giới phẳng Internet. Trên Internet cũng như trên các kho ứng dụng di động hiện nay, có hàng triệu trò chơi khác nhau với hàng triệu người dùng. Về mặt kỹ thuật, các nhà mạng di động hoàn toàn có thể hạn chế, thậm chí là không cho chạy qua hệ thống mạng của mình những trò chơi “lậu, đen, nguy hiểm”. Hàng trăm trò chơi trên di động về đánh bạc, phát hành lậu đang tồn tại và lôi kéo hàng chục ngàn người Việt đang chơi hàng ngày. Nếu có trách nhiệm với xã hội, dù không ngăn chặn được, nhưng các nhà mạng di động Việt Nam hoàn toàn có thể hạn chế được vấn nạn này.
Với Pokémon GO cũng vậy, các nhà mạng di động Việt Nam không nhất thiết phải hỗ trợ trò chơi này. Tại sao lại hỗ trợ chơi Pokémon GO? Chả lẽ lại vì lợi nhuận? Nếu vậy thì một nhà mạng lớn như Viettel thu được bao nhiêu từ gói cước hỗ trợ chơi Pokémon GO so với uy tín xã hội mà đơn vị đã xây dựng bấy lâu nay?