Theo ông Nikhil Parambath - Giám đốc Mảng Ứng dụng, Khu vực các Nền kinh tế đang Phát triển tại Nam Á của Oracle, các doanh nghiệp trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APAC) đang đi đầu trên thế giới trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Bên cạnh đó, trong môi trường công sở, AI đã phát triển tới độ chín và trở thành chất xúc tác giúp cải thiện hiệu quả làm việc và sự thoải mái cho nhân viên. AI cũng đồng thời tạo nên một bầu không khí làm việc mới, nơi các nhân sự làm việc cùng robot hoặc trợ lý kỹ thuật số, hướng đến mục tiêu lớn là nâng cao năng suất, hiệu quả và lợi nhuận.
Thị trường APAC bắt đầu "chào đón" AI
Cụ thể, nghiên cứu được thực hiện bởi Oracle và công ty tư vấn nghiên cứu nguồn nhân lực Future Workplace cho thấy: có đến 80% các quốc gia APAC được khảo sát cho biết hơn nửa số nhân viên của họ đang sử dụng một vài loại hình AI tại nơi làm việc. Trong đó, 77% nhân sự Trung Quốc và 78% nhân sự ở Ấn Độ đã áp dụng AI, nhiều hơn gấp đôi con số 32% ở Pháp và 38% ở Anh.
Không chỉ vậy, trung bình 64% người được khảo sát cho biết họ tin tưởng robot hơn các nhà quản lý. Con số này thay đổi tuỳ theo khu vực, 90% ở Ấn Độ, 88% ở Trung Quốc, hay 84% ở Singapore.
Từ nghiên cứu này, có thể thấy, thị trường APAC đang đón chờ công nghệ AI với sự sẵn sàng và thái độ hào hứng, hơn là sự lo lắng, sợ hãi hay thờ ơ. Các doanh nghiệp đã và đang ứng dụng AI nhiều hơn cho các bộ phận chuyên môn, mà mảng nhân sự (HR) là một ví dụ. Khi cấu trúc doanh nghiệp trở nên phức tạp hơn và nhu cầu tìm kiếm nguồn nhân lực với các kỹ năng tinh tuyển hiện đại lớn hơn, cuộc chiến giành nhân tài ngày càng trở nên khốc liệt. Các bộ phận nhân sự đã bắt đầu sử dụng AI để tối ưu hóa chức năng tuyển dụng và các quy trình hỗ trợ, từ đó tăng hiệu quả và năng suất công việc.
Tại APAC, 76% chuyên gia tuyển dụng cho biết họ đã sử dụng AI làm công cụ tìm kiếm nhờ việc tạo ra nguồn nhân sự chất lượng cao , loại bỏ các thành kiến và đảm bảo quá trình tuyển dụng được diễn ra công bằng. Cụ thể, các phòng nhân sự hiện đang bắt đầu triển khai AI trong quá trình tuyển dụng để sàng lọc ứng viên bằng cách đánh giá các dữ liệu một cách khách quan, thậm chí không xét tới các thông tin nhân khẩu học. Trên thực tế, nghiên cứu của Oracle và Future Workplace cho thấy tại APAC, có tới 53% người cho rằng robot có thể cung cấp thông tin và phản hồi không thiên lệch – tốt hơn so với kết quả của các nhà quản lý.
Hơn nữa, tự động hóa các công việc thủ công thông qua AI cho phép các nhà quản lý nhân sự dành thời gian tập trung vào những nhiệm vụ mang tính chiến lược hơn như thu hút, phát triển và giữ chân các nhân tài hàng đầu. Bằng cách sử dụng các công nghệ quản lý nhân lực được cải tiến với AI, các nhà quản lý nhân sự có thể nắm bắt và khai thác những dữ liệu có giá trị về nhân viên cũng như nhu cầu đào tạo và phát triển nghề nghiệp của họ. Điều này cho phép các chuyên viên đưa ra quyết định kinh doanh nhanh hơn, thông minh hơn và có thể theo kịp các yêu cầu thay đổi của thị trường.
Đơn cử, Tập đoàn xe tải và xe buýt Mitsubishi Fuso của Nhật Bản (MFTBC) đã triển khai Oracle HCM Cloud để giải quyết các hoạt động nhân sự thiếu hiệu quả của mình. Hiện nay, công ty có thể quản lý mục tiêu, đánh giá và khuyến khích hoạt động của hơn 10.000 nhân viên. Họ có thể tiêu chuẩn hóa và thống nhất các quy trình nhân sự như quản lý thông tin, lộ trình phát triển nghề nghiệp, lập kế hoạch nhân sự và nâng cao hiệu quả – năng suất của nhân viên.
Vấn đề chuẩn bị nguồn nhân lực cho một “tương lai AI”
Trong nền kinh tế số hiện nay, AI đang ngày càng trở nên quan trọng. Theo dự báo của MIT Technology Review, đến năm 2024, cứ trong năm công việc tại APAC sẽ có một công việc chịu ảnh hưởng của công nghệ này. Bên cạnh đó, AI cũng sẽ làm biến mất một phần tám công việc, nhưng hơn hết, nó sẽ thúc đẩy tạo ra thêm nhiều công việc khác.
Nhưng bên cạnh đó, theo nghiên cứu của Oracle và Future Workplace, 76% nhân viên và 81% lãnh đạo nhân sự cảm thấy khó theo kịp tốc độ của các thay đổi công nghệ trong lực lượng lao động. Để thu hẹp khoảng cách giữa tiến bộ công nghệ và sự sẵn sàng của nguồn nhân lực, các tổ chức cần thực sự nhận thức được tầm quan trọng của việc đầu tư đào tạo và phát triển kỹ năng cho nhân viên, đáp ứng với sự biến đổi của thị trường.
Trong bối cảnh AI sẽ còn tiếp tục thay đổi vai trò của nhân viên và người quản lý tại nơi làm việc, một trong những kỹ năng quan trọng nhất mà các nhà quản lý cần phát triển, đó là thắt chặt hơn mối quan hệ với nhân viên và nâng cao các lĩnh vực mà công nghệ còn đang thiếu sót. Bằng cách ắm bắt các khía cạnh của trí tuệ cảm xúc như cá nhân hóa trải nghiệm cho nhân viên, đào tạo và tạo ra văn hóa làm việc tích cực, đồng thời thúc đẩy sự khách quan, các nhà quản lý có thể làm việc song song với các “đồng nghiệp AI” của họ mà không trở nên lỗi thời.