Khó ngăn chặn hàng giả, hàng nhái trên Facebook, Zalo…

Khó ngăn chặn hàng giả, hàng nhái trên Facebook, Zalo…
Tạp chí Nhịp sống số - Năm 2019, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã hoàn thành 41 cuộc thanh tra theo kế hoạch, xử phạt vi phạm hành chính 11 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền 579,5 triệu đồng.

Hàng giả, hàng nhái bán tràn lan trên Facebook

Báo cáo kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của Bộ TT-TT năm 2019 cho biết, Ban chỉ đạo 389 của Bộ đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo đôn đốc, tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả và thu được những kết quả tích cực.

Thanh tra Bộ TT-TT đã hoàn thành 41 cuộc thanh tra theo kế hoạch, xử phạt vi phạm hành chính 11 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền 579,5 triệu đồng. Bên cạnh đó, các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành của Bộ đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 53 tổ chức, doanh nghiệp với tổng số tiền trên 1,63 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân ngày càng tăng cao, các đối tượng đã lợi dụng tình hình này để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, thu lợi bất chính với thủ đoạn ngày càng tinh vi, manh động.

Đáng chú ý, theo nhận định của Ban chỉ đạo 389 Bộ TT-TT, việc bùng nổ kinh doanh của các cá nhân thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo, trên các ứng dụng thương mại điện tử với nhiều loại hàng hóa khác nhau khiến việc ngăn chặn hàng giả, hàng nhái gặp nhiều rào cản hơn.

“Việc quản lý hoạt động kinh doanh thương mại trên các phần mềm này khá phức tạp. Với đặc điểm rất linh hoạt trong việc đăng, gỡ bỏ quảng cáo, chủ hàng hóa hợp tác, giao dịch với nhà phát hành phần mềm thương mại điện tử thông qua Internet và thanh toán điện tử bằng nhiều hình thức nên việc phát hiện, ngăn chặn sai phạm rất khó khăn”- đại diện Ban chỉ đạo 389 Bộ TT-TT cho hay.

Ngoài ra, gần đây một số đối tượng còn áp dụng trà trộn thuê xe chuyên dụng chở thư báo, lợi dụng dịch vụ chuyển phát để vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Lực lượng chức năng không dễ phát hiện vi phạm.

Trước tình hình này, Ban chỉ đạo 389 Bộ TT-TT cho biết, thời gian tới sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý vi phạm hành chính đối với các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, nhất là các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực này; tăng cường quản lý hoạt động quảng cáo, dịch vụ trò chơi điện tử, dịch vụ bưu chính chuyển phát, phối hợp xử lý việc lợi dụng hoạt động thương mại điện tử... để góp phần ngăn chặn hàng giả, hàng lậu trên thị trường, bảo vệ sản xuất kinh doanh lành mạnh và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Có thể bạn quan tâm

Tập đoàn hàng đầu về quản lý năng lượng, Schneider Electric đã phát triển nhiều dòng APC UPS tân tiến trong 4 thập kỷ, giúp đảm bảo nguồn điện ổn định và tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng, hỗ trợ trung tâm dữ liệu giảm thiểu dấu chân carbron, hướng đến phát triển bền vững.