Không để hàng giả, hàng nhái và gian lận xuất xứ xuất hiện tại Online Friday 2019

Không để hàng giả, hàng nhái và gian lận xuất xứ xuất hiện tại Online Friday 2019
Tạp chí Nhịp sống số - Để tham gia Ngày mua sắm trực tuyến - Online Friday 2019, doanh nghiệp sẽ phải cung cấp chứng từ, chứng nhận về xuất xứ hàng hoá.


Họp báo công bố Ngày mua sắm trực tuyến - Online Friday 2019

Sáng 12/11 đã diễn ra buổi Họp báo công bố chương trình "Ngày mua sắm trực tuyến - Online Friday 2019".

Chia sẻ tại buổi họp báo, ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm tin học và công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (TMĐT&KTS), Bộ Công Thương nhấn mạnh: "Ban tổ chức sẽ kiểm duyệt hàng hoá của tất các các doanh nghiệp tham gia chương trình để đảm bảo không để xảy ra tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng hoá gian lận xuất xứ có mặt trong chương trình Online Friday".

Để đảm bảo được yếu tố về xuất xứ hàng hoá, ông Đức Anh cho biết, các doanh nghiệp tham gia Ngày mua sắm trực tuyến - Online Friday 2019 sẽ đăng ký online trên website của chương trình. Sau đó, ban tổ chức sẽ có quy trình kiểm duyệt website, doanh nghiệp và hàng hoá.

Trong đó tập trung vào việc yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp chứng từ, chứng nhận hàng chính hãng hay hàng nhập khẩu. Đối với những doanh nghiệp không cung cấp được chứng từ hợp pháp, ban tổ chức sẽ không cấp phép tham gia chương trình Online Friday.

 Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục TMĐT&KTS, Bộ Công Thương

 Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục TMĐT&KTS, Bộ Công Thương

Về vấn đề quảng bá hàng Việt, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục TMĐT&KTS, Bộ Công Thương cho biết, một điểm nhấn quan trọng của chương trình Online Friday năm 2019 đó là sự tham gia mạnh mẽ của các thương hiệu Việt hay hàng hoá Việt.

Bởi theo ông Hải: "Hàng Việt trên các sàn thương mại điện tử vẫn rất yếu thế, bị lấn lướt bởi hàng hoá nhập ngoại đặc biệt là hàng từ Trung Quốc".

Cục TMĐT&KTS hiện đang chủ trì xây dựng và xây dựng "Gian hàng quốc gia Thương hiệu Việt uy tín" trên sàn Sendo của FPT và Voso của Viettel Post. Đồng thời, thông qua chương trình "Gian hàng Quốc gia Việt Nam" trên sàn thương mại điện tử nước ngoài dự kiến sẽ vận hành vào tháng 12/2019, chính thức mở cánh cửa xuất khẩu hàng hoá ra nước ngoài thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới.

Ngoài ra, tại buổi họp báo, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng đã giới thiệu về chương trình Online Friday 2019. Theo đó, sự kiện 24 giờ mua sắm trực tuyến lớn nhất trong năm 2019 sẽ diễn ra trong ngày thứ 6, 6/12 với chủ đề "Siêu giảm giá - Hàng chính hãng".

Bên cạnh sự kiện online, một điểm khác của sự kiện năm nay là ban tổ chức đã bố trí 3 điểm cầu offline tại Phố đi bộ Hồ Gươm (Hà Nội), đường Nguyễn Huệ (TP.HCM) và khu vực cầu Rồng (Đà Nẵng) để khách hàng trải nghiệm hoặc tham gia "săn" voucher giảm giá.

Sự kiện sẽ có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp chuyển phát như: VnPost, Viettel Post, Be, Giao Hàng Nhanh và các đơn vị thanh toán như Viettel Pay, VnPay, ZaloPay,...

Đặc biệt, Alliex Việt Nam hợp tác với Cục TMĐT&KTS tham gia đồng hành cùng Online Friday hỗ trợ trong các hoạt động cung cấp các giải pháp phần cứng, giải pháp về thanh toán, điểm bán hàng thông qua hạ tầng POS dùng chung.

Có thể bạn quan tâm

Tập đoàn hàng đầu về quản lý năng lượng, Schneider Electric đã phát triển nhiều dòng APC UPS tân tiến trong 4 thập kỷ, giúp đảm bảo nguồn điện ổn định và tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng, hỗ trợ trung tâm dữ liệu giảm thiểu dấu chân carbron, hướng đến phát triển bền vững.