Quay trở lại thời điểm Covid-19 bắt đầu bùng nổ, không ai có thể nghĩ rằng đại dịch này có thể tạo ra một cuộc khủng hoảng vi xử lý điện tử quy mô toàn cầu, kéo dài từ giữa năm 2020 và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Hệ quả, nhiều tập đoàn công nghệ đã và đang lao đao trong sản xuất vì thiếu hụt vi xử lý. Thậm chí, tình trạng khủng hoảng này sẽ còn kéo dài đến nửa sau năm 2022, theo dự đoán gần đây của Foxconn - đối tác sản xuất lớn nhất của Apple.
Liu Young Way, Chủ tịch tập đoàn Foxconn, đã đưa ra những nguyên nhân có thể làm ảnh hưởng đến triển vọng doanh thu của tập đoàn trong năm 2022, bao gồm những bất ổn xung quanh đại dịch Covid-19, lạm phát, căng thẳng chính trị và sự thiếu hụt trầm trọng ở chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, Liu cũng đưa ra dự đoán tổng lợi nhuận của Foxconn trong quý 4/2021 sẽ giảm khoảng 3 - 15%.
Không riêng gì Foxconn, nhiều tập đoàn công nghệ khác cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng này, có thể kể đến như Samsung đã phải trì hoãn kế hoạch ra mắt Galaxy S21 FE. Mặc dù được đánh giá là có khả năng “tự chủ” sản xuất vi xử lý (chip dòng A cho iPhone, iPad và bộ chip Apple Silicon cho các thiết bị Mac và một số dòng iPad cao cấp) và được các đối tác cung ứng nguyên liệu dành sự ưu tiên hơn cả, Apple cũng gặp không ít khó khăn và đã phải đưa ra quyết định cắt giảm sản xuất iPad để tập trung cho iPhone 13.
Bên cạnh Foxconn, CEO Intel - Pat Gelsinger - lại đưa ra dự đoán cuộc khủng hoảng vi xử lý toàn cầu có thể kéo dài qua cả năm 2023. Dự đoán này được đưa ra vào cuối tháng 10 vừa qua.