Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là một trong những chỉ tiêu cơ bản nhất trong phát triển Chính phủ điện tử. Đến hết năm 2020, các bộ, ngành, địa phương đã đạt 31% dịch vụ công trực tuyến mức 4, vượt mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết 17 của Chính phủ.
Tính đến cuối tháng 5, cả nước đã có 3 cơ quan bộ, ngành là Bộ TT&TT, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cùng 2 tỉnh, thành phố gồm Bến Tre, Tây Ninh đã hoàn thành việc đưa 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức 4.
Với việc công bố cung cấp trực tuyến mức 4 với toàn bộ 1.030 dịch vụ công đủ điều kiện trên Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh từ ngày 8/6, Lạng Sơn đã trở thành đơn vị thứ 6 và là tỉnh thứ 3 trong cả nước hoàn thành sớm chỉ tiêu đưa 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên online mức 4.
Đây cũng là bước đột phá trong xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh Lạng Sơn, một tỉnh biên giới còn nhiều khó khăn.
Đại diện lãnh đạo Sở TT&TT Lạng Sơn cho biết: “Trong 1.030 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được tỉnh cung cấp từ ngày 8/6 để phục vụ người dân và doanh nghiệp, có 838 dịch vụ cấp tỉnh, 149 dịch vụ cấp huyện và 43 dịch vụ cấp xã”.
Đáng chú ý, việc thực hiện chỉ tiêu đưa 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức 4 đã được tỉnh Lạng Sơn gấp rút triển khai trong thời gian ngắn, chỉ trong 30 ngày.
Cụ thể, ngay sau khi Bộ TT&TT có văn bản đề nghị lãnh đạo các địa phương triển khai quyết liệt và có hiệu quả các giải pháp để đạt mục tiêu cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức 4 trong năm 2021, đầu tháng 5, tỉnh Lạng Sơn đã có kế hoạch thực hiện mục tiêu nêu trên.
Ông Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn nhận định, hoàn thành mục tiêu đưa 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức 4 chỉ trong 30 ngày là một kỳ tích, sự đột phá đối với tỉnh Lạng Sơn trong lĩnh vực công nghệ số và cung cấp dịch vụ công.
“Có được kết quả này là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, các sở ngành, các huyện thành phố; sự phối hợp chặt chẽ của tỉnh Lạng Sơn với Văn phòng Chính phủ và Bộ TT&TT; cùng nỗ lực làm việc không quản ngày đêm của hàng trăm chuyên gia, cán bộ kỹ thuật từ trung ương đến tỉnh, huyện, xã và các doanh nghiệp công nghệ trong và ngoài tỉnh. Nhờ vậy, Lạng Sơn đã hoàn thành kế hoạch đề ra, về đích trước thời hạn 7 tháng, trở thành tỉnh có thời gian thực hiện nhanh nhất trong cả nước”, ông Dương Xuân Huyên chia sẻ.
Đại diện UBND tỉnh Lạng Sơn cũng nhận định, cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức 4 cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn là một bước hiện thực hóa mục tiêu “Chính quyền kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp”, “Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm”.
Qua đó, cho phép người dân và doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường mạng Internet ở mọi lúc, mọi nơi, không phân biệt khoảng cách địa lý, tiết kiệm thời gian, chi phí, bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh, loại bỏ khó khăn do đi lại từ vùng sâu vùng xa đến trụ sở cơ quan hành chính.
Bên cạnh đó, cũng giúp minh bạch hóa triệt để quá trình xử lý hồ sơ của cơ quan hành chính nhà nước, tránh phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; thúc đẩy kinh tế thương mại, cửa khẩu ở Lạng Sơn; hỗ trợ cả nước trong hoạt động xuất nhập khẩu qua Lạng Sơn; tăng hiệu suất kinh tế.
UBND tỉnh Lạng Sơn đặt ra các chỉ tiêu cần đạt được trong năm 2021 như: tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được giải quyết trực tuyến mức độ 4 đạt từ 30% trở lên; ưu tiên rà soát, lựa chọn các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 đưa vào danh sách không tiếp nhận hồ sơ trực tiếp. Khuyến khích các tổ chức tài chính, ngân hàng mở rộng việc cung cấp tài khoản thanh toán trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp. Sở TT&TT Lạng Sơn là cơ quan được giao kiểm tra, theo dõi, đôn đốc, đề xuất các giải pháp, hướng dẫn các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, Sở TT&TT cũng có trách nhiệm báo cáo UBND tỉnh về kết quả triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 hàng tháng. |