Tuy chỉ là mức tăng 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng số liệu thống kê lần này đã cho thấy sự ổn định tương đối của thị trường máy tính cá nhân trong hai quý liên tiếp. Đây là điều rất đáng giá trong bối cảnh số lượng máy xuất xưởng liên tục suy giảm trong vài năm trở lại đây.
Trong số các nhà sản xuất, thay đổi đáng chú ý là Lenovo đã vượt qua HP để trở thành nhà sản xuất máy tính đầu bảng, kết quả của quan hệ liên doanh với Fujitsu. Ngoài hai tên tuổi này, chỉ có Dell là đảm bảo tăng trưởng so với quý III năm 2017, trong khi cả Acer, ASUS và Apple đều chứng kiến doanh số sụt giảm.
Theo nhà phân tích trưởng Mikako Kitagawa của Gartner, những thay đổi này cũng là hệ quả từ việc Intel sản xuất không kịp số lượng vi xử lý để đáp ứng nhu cầu thị trường. Thực tế này cũng khiến giá sản phẩm tăng lên, và tạo ra thay đổi trong năng lực cạnh tranh giữa các nhà sản xuất, nhưng tác động này sẽ không kéo dài. Hiện nay, Intel cũng đang tập trung vào các dòng sản phẩm vi xử lý cao cấp và máy tính doanh nghiệp. Nếu để "hổng" thị trường phổ thông và không nhanh chóng tăng sản lượng tới mức cần thiết, hãng bán dẫn Mỹ có thể sẽ tạo điều kiện để đối thủ AMD mở rộng thị phần nhanh chóng.
Riêng tại thị trường Mỹ, số máy tới tay người tiêu dùng đã giảm 0,4% so với quý III năm 2017. Theo các nhà phân tích, đây là hệ quả của việc các trường phổ thông tại Mỹ liên tục chuyển đổi sang sử dụng dòng máy Chromebook (máy tính với hệ điều hành ChromeOS của Google), vốn không được đưa vào các thống kê của Gartner.
Cũng ở thị trường quan trọng này, Acer đã lần đầu tiên bị loại khỏi danh sách 5 nhà sản xuất hàng đầu. Trong khi đó, Microsoft lần đầu lọt vào "Top 5", dù thị phần 4,1% của hãng cách rất xa vị trí thứ 4 là Apple (13,7%). Trong quý III vừa qua, "Táo" đã chứng kiến số lượng máy bán ra thị trường giảm 7,6%, nhưng kỳ vọng sẽ cải thiện điều này sau khi tung ra một số dòng máy tính để bàn và máy tính xách tay mới trong tháng sau.