LG và tham vọng tivi màn hình cong OLED Flex

LG và tham vọng tivi màn hình cong OLED Flex
Tạp chí Nhịp sống số - Chỉ cần nhấn một nút, một loạt động cơ bên trong thiết bị bắt đầu hoạt động, biến OLED Flex từ một chiếc tivi màn phẳng truyền thống thành một chiếc tivi màn cong với độ cong tối đa 900R.

Tivi màn hình cong có lẽ là một trong những yếu tố không được cả ngành tivi khuyến khích quảng cáo sử dụng nhất.

Tivi màn hình cong sẽ dễ dàng dẫn đến hình ảnh bị cong vênh với độ phản chiếu quá cao, từ đó tạo nên trải nghiệm khó chịu (trừ khi người dùng ngồi ở một điểm rất cụ thể). Nói cách khác, một chiếc tivi màn hình cong gần như không mang lại lợi ích gì.

Một số nhà quan sát còn cho rằng tivi màn hình cong ra đời chỉ vì các công ty có thể sản xuất chúng hơn là vì họ thấy cần phát triển sản phẩm này.

Nhưng có lẽ một chiếc tivi màn hình cong hữu dụng sẽ sớm xuất hiện. Tại Hội chợ công nghệ Đức IFA 2022, LG đã ra mắt OLED Flex, một chiếc tivi cỡ 42 inch siêu phản hồi có thể chuyển từ màn hình phẳng sang cong chỉ bằng một nút bấm. Đây là sản phẩm đầu tiên của loại hình tivi này, nhưng tiềm năng của công nghệ này là rất lớn.

Những thông số ban đầu

Dù cuộc tranh cãi về màn hình chấm lượng tử phát quang (QLED) so với màn hình điốt hữu cơ phát quang (OLED) và màn hình điốt phát quang (LED) có thể vẫn diễn ra gay gắt, OLED Flex của LG thực sự là một sản phẩm khác biệt.

Nhìn bề ngoài, LG OLED Flex thực sự giống với chiếc tivi C2 42 inch hiện có của LG. Sản phẩm có cùng một tấm nền LG Display OLED Evo và hỗ trợ cả công nghệ hình ảnh Dolby Vision và công nghệ âm thanh vòm Dolby Atmos. Tivi có độ phân giải 4K, tỷ lệ khung hình 16:9 và tốc độ làm mới tối đa 120Hz. Nói cách khác, chất lượng hình ảnh của sản phẩm này sẽ đẹp tương đương các sản phẩm tivi OLED nối tiếng khác của LG.

Điều thú vị của chiếc tivi này là nó có thể biến hình. Chỉ cần nhấn một nút, một loạt động cơ bên trong thiết bị bắt đầu hoạt động, biến nó từ một chiếc tivi màn phẳng truyền thống thành một chiếc tivi màn cong với độ cong tối đa 900R. Để so sánh, màn hình có độ cong 1000R có thể bao phủ trường nhìn của mắt người gần như hoàn hảo, đồng thời giúp họ cảm nhận độ sâu tốt hơn. Người dùng có thể điều chỉnh độ cong này trên một thanh trượt với mức điều chỉnh 5% mỗi bậc. Tổng cộng có 20 độ cong khác nhau để người dùng lựa chọn.

Và đó là cách sản phẩm này có thể tránh được "lời nguyền" của tivi màn hình cong: Không phải lúc nào LG OLED Flex cũng ở trạng thái cong. Đây là một cách tiếp cận thú vị. Người dùng sẽ không phải đối mặt với các vấn đề của màn hình cong trong khi không được trải nghiệm những lợi ích của nó.

Trong giai đoạn hiện tại, giới mộ điệu có rất ít thông tin sâu hơn về OLED Flex. Phía LG thậm chí chưa đưa ra ngày phát hành hoặc giá cả chính thức. Nhưng chắc chắn rằng một sản phẩm mới lạ như vậy sẽ có mức giá không hề rẻ.

Câu chuyện về màn hình cong và màn hình gập

Theo giới quan sát, dù LG vẫn kín tiếng về công nghệ bên trong của OLED Flex, rất có thể chúng không khác biệt nhiều so với bất kỳ thiết bị có thể gập lại nào khác. LG và các công ty khác đã giới thiệu màn hình dẻo từ nhiều năm trước và sự vội vã để ra mắt những chiếc điện thoại có thể gập lại chắc chắn đã thúc đẩy sự đổi mới dáng tạo.

Dù vậy, công nghệ bên trong LG OLED Flex vẫn có một sự khác biệt tinh tế nhưng quan trọng. Bằng cách kiểm soát cẩn thận các góc độ cong và tốc độ di chuyển, LG có thể bỏ qua một số cân nhắc về thiết kế của màn hình gập. Rốt cuộc, điện thoại gập phải chịu được hàng nghìn chu kỳ đóng mở và toàn bộ sức mạnh từ bàn tay con người.

Với việc loại bỏ yếu tố phụ thuộc hoàn toàn vào người tiêu dùng, các màn hình như OLED Flex có thể kéo dài tuổi thọ hơn. Điều này có thể giúp loại bỏ sự phân vân cho khách hàng vì mức giá nhiều khả năng gây "nhức mắt" của nó. Về cơ bản, sản phẩm này bao gồm một chiếc LG C2 42 inch vốn đã trị giá 1.399 USD, cộng với một loạt các cơ chế uốn cong màn hình rất phức tạp. Một số nhà phân tích dự báo mức giá tối thiểu cho OLED Flex là 2.000 USD trở lên.

Mặc dù sẽ cần mất một thời gian nữa trước khi những loại màn hình tivi này trở nên phổ biến, dễ tiếp cận với đại đa số người dân, đây vẫn là một bước ngoặt đáng chú ý. Dù công nghệ màn hình uốn cong này đã tồn tại từ trước đó, LG OLED Flex cùng một số loại sản phẩm tương tự khác như Corsair đang dần mở ra một kỷ nguyên mới của màn hình cong. Đúng là tivi màn hình cong chưa bao giờ thực sự thành công, nhưng màn hình cong đã trở nên khá phổ biến trong những năm qua, đặc biệt là với giới game thủ, các nhà sáng tạo nội dung cần chỉnh sửa hình ảnh, video hay các nhà lập trình cần màn hình lớn. LG OLED Flex dường như đang cố gắng khỏa lấp chỗ trống này.

Rất có thể trong một tương lai không xa, người dùng sẽ chỉ cần mua một chiếc màn hình để phục vụ nhu cầu xem tivi, chơi game, chỉnh sửa video hay thậm chí lập trình.

Có thể bạn quan tâm