Tại Việt Nam, hãng hàng không Quốc gia Vietnam Airlines là một trong những đơn vị sử dụng hệ thống này. Giải pháp đã tiết kiệm hơn 60% chi phí cho hãng trong khi mạng lưới liên tục được vận hành an toàn, ổn định.
Khi chuyển đổi số là mảnh đất ‘màu mỡ’ của tin tặc
Gần đây, cụm từ “Chuyển đổi số” không còn xa lạ ở Việt Nam với hàng loạt các chính sách nhằm thúc đẩy nền kinh tế số, chính phủ số. Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 đã thay đổi cách mọi hoạt động vận hành. Doanh nghiệp ngày càng tìm đến các giải pháp số nhằm bảo đảm lao động có thể làm việc mọi lúc, mọi nơi, tối ưu hóa quy trình sản xuất, kinh doanh để không thâm dụng lao động trực tiếp.
Khi các ứng dụng công nghệ ngày một phát triển thì đây cũng là cơ hội của hacker. Thế giới ngày càng chứng kiến nhiều cuộc tấn công có quy mô vào các hạ tầng công nghệ thông tin. Dẫn báo cáo của ISC, ông Nguyễn Tuấn Khang, Giám đốc Khối Giải pháp phần mềm của IBM Việt Nam cho hay, chi phí trung bình để xử lý một vụ việc vi phạm an toàn dữ liệu trên thế giới là 4,24 triệu USD, mức cao nhất trong 17 năm qua.
Việt Nam đang sẵn sàng vươn lên để góp mặt trong danh sách những nền kinh tế số hàng đầu khu vực, điều này cũng mở ra mảnh đất tiềm năng cho các cuộc tấn công mạng. Theo báo cáo Chỉ số nguy cơ an toàn mạng, các quốc gia châu Á, bao gồm Việt Nam, là khu vực bị tấn công nhiều nhất. Năm 2021, các loại tấn công nhiều nhất vào các tổ chức là truy cập máy chủ (20%), tấn công bằng mã độc tống tiền (ransomware) (11%), đánh cắp dữ liệu (data breach) (10%). Ngoài ra, tấn công bằng trojan truy cập từ xa và adware xếp ở vị trí thứ tư, chiếm 9%...
Theo các chuyên gia, các giải pháp bảo mật trước đây đã trở nên lạc hậu. Ví dụ như ở Vietnam Airlines, ông Vũ Trung Thông, Phó giám đốc Công nghệ thông tin của đơn vị này cho hay sử dụng cơ chế chuyển mạch nhãn đa giao thức (MLPS)/mạng cũ, hãng phải đối mặt với các cuộc tấn công mạng, những hành vi mạng độc hại và không mong muốn, kết nối không ổn định và chi phí khai thác cao. Ngoài ra, kết nối VPN mà Vietnam Airlines đang sử dụng không ổn định và được chuyển qua một trung tâm dữ liệu ở Singapore, điều này đã ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ.
Bởi vậy những yêu cầu được Vietnam Airlines đặt ra khi chuyển đổi mạng lưới chính là: Giảm chi phí; Đảm bảo kết nối ổn định với quyền truy cập an toàn; Cung cấp khả năng bảo mật nhất quán tốt nhất trên khắp các địa điểm trên toàn thế giới với tính linh hoạt được cải thiện; Đảm bảo có được đội ngũ hỗ trợ tốt tại địa phương.
Giảm 60% chi phí, tối ưu hóa hệ thống
Để đạt được sự bảo mật đáng tin cậy trên khắp các địa điểm trên toàn thế giới, cũng như có được lợi thế về tính linh hoạt ngày càng cao, ông Thông và đội ngũ của mình bắt đầu tìm kiếm một nhà cung cấp bảo mật phù hợp.
Sau khi nghiên cứu, Vietnam Airlines đã quyết định chọn các giải pháp của Palo Alto Networks như Tường lửa thế hệ mới dựa trên máy học (NGFW), GlobalProtect và Prisma Access. Trong đó, Prisma Access cung cấp cho Vietnam Airlines quyền truy cập an toàn, giảm nguy cơ rò rỉ dữ liệu, tính năng bảo mật tốt nhất và những trải nghiệm người dùng thú vị.
Theo các chuyên gia công nghệ, các giải pháp tường lửa trước đây đã trở nên lạc hậu với hacker. Các giải pháp này thường không thể đọc hiểu từng loại thông tin và phân tích nội dung tốt hay xấu của nó, chỉ có thể ngăn chặn sự xâm nhập của những nguồn thông tin không mong muốn nhưng phải xác định rõ các thông số địa chỉ; Không thể ngăn chặn một cuộc tấn công nếu cuộc tấn công này không đi qua nó (tấn công từ bên trong); Chỉ nhận diện và kiểm soát được thông lượng với giao thức và cổng dịch vụ, nhưng không nhận diện được ứng dụng...
Tuy nhiên, với Tường lửa thế hệ mới của Palo Alto Networks những giải pháp trên đã được khắc phục. Với kiến trúc tiên tiến và mạnh mẽ, kết hợp cùng phần cứng chuyên biệt tốc độ cao, giải pháp này có các tính năng bảo mật vượt trội, giúp khắc phục những nhược điểm của mô hình bảo mật firewall truyền thống và đáp ứng tốt hơn yêu cầu về bảo mật trong thời điểm hiện tại, trở thành một trong những giải pháp bảo mật hiệu quả hiện nay. Palo Alto luôn được đánh giá cao và bốn năm liên tiếp (từ 2011 đến 2015) đều nằm trong nhóm dẫn đầu về xu thế công nghệ, theo đánh giá của Gartner.
Bên cạnh đó, hệ thống cho phép đồng nhất các tác vụ, giúp khách hàng đơn giản hóa toàn bộ thiết lập an ninh, giảm thiểu nguy cơ sai sót trong thiết lập an ninh và giảm thiểu các lỗ hổng an ninh tồn tại ở giải pháp truyền thống...
“Palo Alto Networks đã thể hiện giá trị to lớn so với các giải pháp cũ, phức tạp mà chúng tôi đang sử dụng, giúp tiết kiệm chi phí hơn 60% trong vòng ba năm. Đặc biệt, điều làm chúng tôi ấn tượng trong quá trình chứng minh khái niệm thực tế là đội ngũ của Palo Alto Networks tại địa phương đã chứng minh khả năng hỗ trợ liền mạch và xử lý mọi tình huống khủng hoảng có thể xảy ra”, ông Thông nói.
Theo ông Hoàng Quang Huy, Giám đốc quốc gia Palo Alto Networks tại Việt Nam, các giải pháp của hãng có thể áp dụng cho bất kỳ khách hàng nào cần đảm bảo chuyển đổi kỹ thuật số, đẩy nhanh lộ trình tiếp cận thị trường. Trên thực tế, ngoài Vietnam Airlines, hãng Palo Alto Networks cũng đang cung cấp dịch vụ bảo mật cho một số khách hàng trong các ngành như ngân hàng và bán lẻ tại Việt Nam.
Ông Huy cũng rất hào hứng với công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam, ông cho hay trong 3 năm qua, hãng đã có mức tăng trưởng 3x% và dự báo sẽ tăng trưởng gấp đôi trong 3 năm tới.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai các công nghệ mới, đầu tư vào con người với đội ngũ nhân sự ngày càng phát triển tại Việt Nam; xây dựng hệ sinh thái đối tác, đặc biệt là các đối tác đám mây. Ngoài ra, chúng tôi tiếp tục đầu tư vào giáo dục và đóng góp cho xã hội”, ông Huy chia sẻ.