Trong đó, lừa đảo thông qua các hệ thống thanh toán là trường hợp phổ biến nhất được Kaspersky phát hiện, chiếm 11,77% tổng số lừa đảo và hơn 44% trong số các loại lừa đảo tài chính.
Sự gia tăng các giao dịch trực tuyến tại Việt Nam trong thời kỳ đại dịch đã tạo điều kiện cho các trang mạo danh những hệ thống thanh toán phổ biến như Visa, Mastercard, PayPal… phát triển.
Khi ngày càng có nhiều người dùng mua sắm trực tuyến, những nỗ lực lừa đảo nhắm vào các cửa hàng trực tuyến cũng ngày một tăng theo, chiếm khoảng 30% trong số những trường hợp lừa đảo tài chính.
Đáng chú ý, lừa đảo tài chính được ghi nhận là một hình thức lừa đảo phổ biến tại Đông Nam Á, chiếm tỷ lệ hơn 40% ở hầu hết các quốc gia trong khu vực này. Philippines là quốc gia có tỷ lệ tấn công tài chính cao nhất với 64,03%, tiếp theo là Thái Lan với 56,35%.
Trong khi đó, với 26,36%, Việt Nam có tỷ lệ bị tấn công tài chính thấp nhất so với các nước trong khu vực và thấp hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình của Đông Nam Á (43,06%). Tỷ lệ ấn tượng này có thể là nhờ nỗ lực của Việt Nam trong việc nâng cao nhận thức về an ninh tài chính và dữ liệu trong bối cảnh gia tăng của ngân hàng di động và ví điện tử trong khu vực.
“Cùng với sự gia tăng trong việc áp dụng các giao dịch số ở Đông Nam Á, chúng ta cũng chứng kiến sự gia tăng của những “siêu ứng dụng” trong khu vực. Đây là những ứng dụng di động kết hợp tất cả các chức năng tài chính phổ biến bao gồm ngân hàng điện tử, ví di động, mua sắm trực tuyến, bảo hiểm, đặt vé du lịch và thậm chí là đầu tư. Việc tập trung dữ liệu và tiền kỹ thuật số vào cùng một nơi có thể gây ra hậu quả lớn khi tác động của cuộc tấn công lừa đảo nổi lên với một tốc độ không thể lường trước được”, ông Yeo Siang Tiong, Tổng giám đốc Kaspersky khu vực Đông Nam Á cho biết.