Cũng giống như các công ty công nghệ lớn đang sở hữu trợ lý ảo hoặc dịch vụ giao tiếp bằng giọng nói khác, Microsoft sử dụng các nhà thầu của bên thứ ba để “nghiên cứu” các bản ghi âm của Skype và trợ lý ảo Cortana của họ. Hiện Apple, Google và Facebook đã phải tạm thời ngừng các nỗ lực tương tự trong khi Amazon cho phép người dùng từ chối cung cấp nội dung các cuộc hội thoại cho bên thứ ba. Tuy nhiên, Microsoft cho biết họ sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động này bất chấp những lo ngại về quyền riêng tư.
Để hợp pháp hóa nó, công ty này đã sửa đổi chính sách bảo mật của họ và các quy định nhằm minh bạch hơn về việc sử dụng dữ liệu của người dùng, trong đó có việc sử dụng con người (của nhà thầu) để lắng nghe các cuộc hội thoại cũng như các lệnh mà người dùng giao tiếp với Skype hoặc trợ lý ảo Cortana của họ. Phát ngôn viên của Microsoft chia sẻ với trang Motherboard rằng, "dựa trên các câu hỏi được đưa ra gần đây, chúng tôi nhận ra rằng có thể cải thiện dịch vụ của mình thông qua việc xem xét liệu khi nào thì sẽ cần tới con người”.
Theo chính sách mới, việc xử lý dữ liệu cá nhân của Microsoft ở lĩnh vực này bao gồm cả giải pháp xử lý tự động và thủ công (con người). Trước đó, chính sách của Microsoft đưa ra không hề có giải thích gì về việc dữ liệu của họ có thể bị bên thứ ba tiếp cận, bao gồm cả các câu hội thoại mà Skype ghi lại khi họ giao tiếp thông qua tính năng phiên dịch Skype Translator.
Microsoft cho biết, họ sử dụng dữ liệu giọng nói và các bản ghi âm nhằm cải thiện khả năng nhận diện giọng nói của ứng dụng và dịch vụ mà họ cung cấp, cũng như mang lại khả năng giao tiếp thân thiện với các sản phẩm của Microsoft. Dù hãng cho phép người dùng xóa các bản ghi âm mà họ tạo ra thông qua bảng điều khiển về quyền riêng tư, nhưng họ nên nói rõ ngay từ đầu về mục đích sử dụng chúng thì tốt hơn.
Hiện Apple đang có kế hoạch cho phép người dùng Siri từ chối cung cấp các bản ghi âm cho bên thứ ba, không rõ Microsoft có kế hoạch tương tự hay không.