Tin từ Reuters cho biết bắt đầu từ cuối tuần qua, các xưởng tiền ảo lớn ở Trung Quốc đã bắt đầu rút dần hoạt động, trong đó có cả các mỏ liên kết với sàn tiền số như Huobi.
Huobi là sàn tiền ảo hoạt động tại Hồng Kông, Trung Quốc. Trong thông báo gửi các nhà đầu tư hôm chủ nhật, sàn này cho biết đã đình chỉ hoạt động giao dịch từ đại lục đồng thời trấn an các khách hàng bình tĩnh và không quá lo lắng.
Còn với BTC.TOP, nhà sáng lập mỏ này cho biết sẽ dừng hoạt động ở Trung Quốc và chuyển sang Bắc Mỹ.
HashCow, một nhà vận hành mỏ sở hữu 10 xưởng khai thác trải dài ở nhiều tỉnh như Tân Cương và Tứ Xuyên cũng đã dỡ dàn, bán máy để tuân thủ các quy định của chính phủ.
Trong thông báo gửi khách hàng, HashCow cho biết đã ngừng nhận lắp “trâu cày” (tức các cỗ máy đào tiền ảo chuyên dụng) và sẽ hoàn tiền cho nhà đầu tư gửi trâu nhưng chưa đào.
Trung Quốc từng là nơi chiếm tới 90% hashrate của thế giới tuy nhiên tỷ lệ này đã giảm dần theo thời gian. Hashrate là chỉ số đo sức mạnh tính toán của hệ thống máy móc hay còn gọi là công suất đào tiền ảo.
Hiện hashrate của mạng lưới Bitcoin đã giảm về ngưỡng trước khi cơn sốt tiền ảo bùng nổ hồi đầu năm nay, khoảng 15 ExaHash/s khi lợi nhuận đào chỉ còn 0,19 USD/TeraHash (1 Exa = 1 triệu Tera).
Vấn đề về tiêu thụ điện năng và phát thải khí nhà kính đã khiến hoạt động đào Bitcoin trở thành tâm điểm chỉ trích trong thời gian gần đây. Trong kết luận ở cuộc họp của giới chức Trung Quốc hôm thứ sáu (21/5), Bắc Kinh cho biết sẽ mạnh tay trấn áp các hoạt động đào và giao dịch tiền ảo trong thời gian tới.
Hệ quả là một làn sóng bán tháo Bitcoin đã xuất hiện cuối tuần qua, kéo giá trị của đồng này tụt xuống dưới ngưỡng nguy hiểm trước khi hồi phục nhẹ trở lại ở quanh mốc 35.000 USD với vốn hóa toàn thị trường còn khoảng 1.400 tỷ USD, tính đến trưa ngày 24/5.