Ngày 6/5/2019, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Ngày IPv6 năm 2019 với chủ đề “Khai trương, chuyển đổi, cung cấp dịch vụ IPv6 trong các cơ quan, tổ chức nhà nước và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung số”. Tham dự sự kiện có Lãnh đạo Bộ TT&TT, đại diện các doanh nghiệp trong ngành viễn thông -CNTT như Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, CMC, VCCorp, FPT Telecom…
Tại sự kiện này, đại diện MobiFone, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Tổng giám đốc MobiFone cho biết, từ năm 2018, mạng lưới của MobiFone đã hoàn thành khai báo sẵn sàng cho IPv6 theo cơ chế Dualstack IPv4v6. Sau khi triển khai, các chỉ tiêu chất lượng của các dich vụ trên hạ tầng IPv6 của MobiFone đều ổn định. Trong tương lai, MobiFone sẽ cân nhắc triển khai IPv6 only tùy theo tình hình thực tế.
Nhằm hỗ trợ khách hàng có thể sử dụng và trải nghiệm các dịch vụ trên hạ tầng IPv6, MobiFone đã làm việc với các nhà cung cấp thiết bị đầu cuối lớn để cập nhật cấu hình IPv4v6 trên điện thoại khách hàng sử dụng. Đến thời điểm này, Samsung và Apple đã hợp tác với MobiFone hoàn thành cập nhật hệ điều hành hỗ trợ IPv4v6 cho khách hàng.
Bình luận về tầm quan trọng của việc triển khai IPv6 cho mạng di động 4G, 5G hiện nay, đại diện MobiFone cho rằng, việc triển khai IPv6 sẽ giảm bớt gánh nặng tài nguyên IPv4 cạn kiệt khi số lượng thuê bao data tăng nhanh, đồng thời cho phép phát triển các loại hình dịch vụ mới trong cuộc cách mạng 4.0 như IoT, thực tế ảo, thành phố thông (smart city), chuyển đổi số…
Trong mạng di động thế hệ 4G, 5G, giao thức IPv6 hỗ trợ hoạt động mạng lưới, dịch vụ tốt hơn, đơn giản kiến trúc mạng, cho phép trải nghiệm tới người dùng tốt hơn và hỗ trợ mạng lưới bảo mật nhiều lớp. Hiện tại, các nhà mạng di động lớn trên thế giới đã triển khai mặc định IPv6 cho mạng di động 4G, 5G. Một số bắt đầu thực hiện quá trình gỡ bỏ hoạt động IPv4 khỏi mạng lưới và trung tâm dữ liệu, hướng đến sử dụng thuần IPv6 (native IPv6) để giảm độ phức tạp và chi phí quản lý.
Ngày 23/4/2019 vừa qua, Bộ TT&TT đã cấp phép triển khai thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông 5G cho MobiFone tại Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng và TP. Hồ Chí Minh. Lãnh đạo MobiFone cho biết, MobiFone đang làm việc với các nhà cung cấp thiết bị để chuẩn bị cho việc này. Công nghệ 5G có ưu điểm về độ trễ thấp, tốc độ data vượt trội so với 4G. Vì vậy, việc thử nghiệm này là bước quan trọng để MobiFone đánh giá về công nghệ và thị trường trước khi triển khai cung cấp dịch vụ chính thức. MobiFone đề nghị Bộ TT&TT cho phép các nhà mạng sử dụng băng tần mà các nước đang lựa chọn như 3.5 - 3.8 GHz, 26Ghz. Bên cạnh đó, MobiFone cũng nghiên cứu phát triển các sản phẩm, hệ sinh thái cho 5G để có thể khai thác hiệu quả những tính năng ưu việt của công nghệ mạng 5G.
Theo đánh giá của MobifFone, nếu 5G được coi là chìa khoá để tiến tới thế giới Internet vạn vật bền vững thì việc triển khai IoT không thể tách rời ứng dụng IPv6. Vì vậy, việc triển khai IPv6 cũng là sẵn sàng cho các dịch vụ sẽ được triển khai trên nền 5G trong tương lai.
Theo thống kê của Google, tính đến tháng 2/2019, tỉ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam đã vượt trên 31% với hơn 15 triệu người sử dụng IPv6 (6,8 triệu khách hàng di động 3G/4G được hỗ trợ IPv6). Với kết quả này, Việt Nam xếp thứ 2 Đông Nam Á (sau Malaysia), xếp thứ 3 Châu Á – Thái Bình Dương (sau Ấn Độ, Malaysia) và xếp thứ 06 trên thế giới về tỉ lệ ứng dụng IPv6. Có thể khẳng định, nguồn tài nguyên IPv6 tại Việt Nam hiện đã sẵn sàng để phát triển 4G/LTE, 5G và IoT.